Trước làn sóng phát triển mạnh mẽ của các loại hình bất động sản mới, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý đầu tư xây dựng dự án có bố trí căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa), nhà ở thương mại liên kế (shophouse).
Còn thiếu quy định ràng buộc
Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong những năm vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, resort villa... nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, đa dạng hóa sản phẩm của thị trường bất động sản.
Cùng với việc thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo các quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, môi trường,... hành lang pháp lý cũng đang được tiếp tục hoàn thiện để điều chỉnh các yếu tố đặc thù của loại hình bất động sản này.
Cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2019 ban hành Quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch. Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/02/2020 hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.
Phía Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản số 276/BXD-QLN ngày 20/1/2020 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đề nghị thực hiện công tác quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với loại hình công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch theo đúng quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,...
[‘Loạn’ vi phạm xây dựng: Sẽ xử nghiêm cán bộ bao che vi phạm]
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có các quy định cho loại hình bất động sản như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2019/BXD; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư QCVN 04:2019/BXD có quy định đối với với nhà chung cư hỗn hợp có bố trí căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú...
Mặc dù vậy, phía Bộ Xây dựng thừa nhận trong quá trình đầu tư xây dựng, vận hành các các công trình có loại hình bất động sản nêu trên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: tại một số đồ án quy hoạch xây dựng tuy đã xác định chức năng căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng song chưa tính toán cụ thể về dân số của loại hình lưu trú này; xuất hiện một số vướng mắc, bất cập trong vận hành, quản lý sử dụng tòa nhà có chức năng căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú do có nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng, vận hành khai thác.
Ngoài ra, quá trình đầu tư, vận hành các công trình còn thiếu quy định ràng buộc trong quan hệ hợp đồng giữa các nhà đầu tư ban đầu và nhà đầu tư thứ cấp; các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc cấp giấy tờ sở hữu cho các căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng; khi kinh doanh gặp khó khăn, một số chủ đầu tư xin chuyển đổi loại hình căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú sang căn hộ ở gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Cân nhắc công tác cấp mới
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý chặt các dự án đầu tư xây dựng có bố trí căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng,...
Theo đó, cấp địa phương khi xem xét thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng cần đảm bảo việc tuân thủ quy định của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; phải làm rõ về quy mô về diện tích sàn xây dựng, số lượng căn, chỉ tiêu dân số đối với việc bố trí các chức năng căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú,… để xác định các chỉ tiêu, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng có các loại hình bất động sản nêu trên, các địa phương cần đảm bảo tính thống nhất về mục đích đầu tư, mục đích sử dụng đất với chức năng của công trình; lưu ý việc hình thành và phát triển loại hình bất động sản này phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo từng thời kỳ.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, cân nhắc công tác cấp mới các thủ tục pháp lý cho phép đầu tư xây dựng (phê duyệt quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng có các loại hình bất động sản nêu trên) trong khi việc quản lý, vận hành các loại hình bất động sản này.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng khi thực hiện công tác thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu cần kiểm tra, rà soát kỹ các cơ sở pháp lý về quy hoạch xây dựng, chủ trương đầu tư, đánh giá việc tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ở thương mại liên kế mới.
“Trường hợp còn thông tin chưa rõ liên quan đến dân số của chức năng lưu trú, khả năng đáp ứng hạ tầng khu vực thì cần có văn bản gửi cơ quan quản lý quy hoạch của địa phương để được làm rõ. Thông báo kết quả thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu cần gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý trong quá trình dự án được triển khai,” đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh./.