Đề nghị phê chuẩn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên.
Đề nghị phê chuẩn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự và nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật phá sản (sửa đổi).

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc Tờ trình đề nghị phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, là cán bộ được rèn luyện qua thực tiễn công tác từ cấp huyện, tỉnh và Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Nên luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công; có đủ phẩm chất và năng lực đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Nên sinh ngày 14/7/1957, có trình độ Cử nhân Luật. Ông Nguyễn Văn Nên từng giữ các chức vụ Thường vụ Huyện ủy; Trưởng Công an huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh); Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gò Dầu; Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; hiện đang là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Hạn chế thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra

Tờ trình về dự án Luật phá sản (sửa đổi) do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày nhấn mạnh mục tiêu của Luật Phá sản là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh và thông qua đó góp phần ổn định trật tự đời sống xã hội.

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi các quy định của Luật Phá sản 2004 còn nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành, đồng thời bổ sung những quy định mới để kịp thời điều chỉnh những vấn đề đã và đang phát sinh trong thực tiễn mà chưa được Luật hiện hành quy định hoặc quy định chưa cụ thể.

Dự thảo Luật đã bổ sung các chế định tương ứng có tính khách quan, chặt chẽ hơn.

Dự thảo Luật bãi bỏ 15 điều về thủ tục phá sản (Điều 5); tổ quản lý, thanh lý tài sản (Điều 9); nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ quản lý, thanh lý tài sản (Điều 10); nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản (Điều 11); quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước (Điều 16); khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 56); quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản (Điều 86); quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản trong trường hợp đặc biệt (Điều 78); quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản khi Hội nghị chủ nợ không thành (Điều 79); quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản sau khi có nghị quyết của Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất (Điều 80); nội dung quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản (Điều 81); hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình thanh lý tài sản (Điều 82); khiếu nại, kiến nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản (Điều 83); giải quyết khiếu nại, kiến nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản (Điều 84); đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản (Điều 85).

Luật Phả sản 2004 gồm chín chương và 95 điều, Dự thảo Luật bổ sung ba chương thành 12 chương và nâng số điều lên tổng số 124 điều, trong đó giữ nguyên bảy điều, sửa đổi 73 điều và bổ sung mới 44 điều.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật phá sản (sửa đổi) của Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật phá sản nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và việc sửa đổi Luật phá sản còn góp phần quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ủy ban kinh tế đánh giá dự án Luật phá sản (sửa đổi) so với Luật phá sản hiện hành đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới như quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; chế định Quản tài viên; phương thức gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thứ tự phân chia tài sản... Những nội dung này sẽ tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành.

Ủy ban kinh tế đã nêu quan điểm thể cụ về các nội dung: đối tượng áp dụng (Điều 2); doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản (Điều 3); quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 4); thẩm quyền của Tòa án (Điều 10); quy định Quản tài viên (Điều 12, 13, 35, 36); thủ tục thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 33, 34); xác định tiền lãi đối với các khoản nợ (Điều 47)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục