Tổng Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể đối với Kiểm toán Nhà nước khu vực VI và 5 tỉnh, thành phố để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các địa phương, nhất là trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại địa phương.
Tại Hội nghị Sơ kết Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng, ngày 23/2, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán
Hội nghị Sơ kết Quy chế được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những mặt còn hạn chế, vướng mắc; đồng thời, thống nhất phương hướng, giải pháp khắc phục các hạn chế còn tồn tại, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp trong thời gian tới.
Xây dựng đội ngũ kiểm toán 'nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng'
Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, lòng tự tôn nghề nghiệp cho kiểm toán viên, đảm bảo đội ngũ “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng."
Tại hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã tư vấn và giúp địa phương hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách.
Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng có những ý kiến phát biểu đóng góp thêm về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa các bên trong thời gian qua cũng như định hướng công tác phối hợp.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng hội nghị là dịp để Kiểm toán Nhà nước và 5 địa phương nhìn lại quá trình triển khai Quy chế đã ký trong những năm qua, đồng thời đưa ra phương hướng hợp tác tốt hơn trong thời gian tới.
Theo Tổng kiểm toán Ngô Văn Tuấn, thời gian qua, các địa phương phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh COVID-19, lạm phát tăng lên mức cao... Trong khoảng thời gian khó khăn đó, Kiểm toán Nhà nước đã đồng hành cùng các địa phương, trên quan điểm ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho địa phương phục hồi sau đại dịch thông qua việc cắt giảm đầu mối, thời gian và quy mô cuộc kiểm toán.
Nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, Kiểm toán Nhà nước cũng như hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán, kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng 67 đoàn kiểm toán) so với năm 2022.
Năm 2024, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hành động theo phương châm “gọn nhưng chất lượng” - gắn với việc lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước. Kế hoạch kiểm toán đã được ban hành với 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; tập trung kiểm toán chuyên đề...
Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai kiểm toán và quá trình trao đổi cung cấp thông tin cho đoàn kiểm toán, kiểm toán viên. Đặc biệt là phối hợp thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn đối với các địa phương, đơn vị trong thực hiện vấn đề này cho thuận lợi.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục chú trọng phối hợp trong việc tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước khu vực VI tiếp cận thông tin từ sớm đồng thời giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán, giúp giữ vững đạo đức công vụ, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu…
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quy chế đã ký kết cho phù hợp với quy định và tình hình mới./.