Đề nghị mức án trong vụ cháy quán karaoke làm chết 13 người

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Hà Nội, làm chết 13 người, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Đề nghị mức án trong vụ cháy quán karaoke làm chết 13 người ảnh 1Các bị cáo từ trái qua Hoàng Văn Tuấn, Lê Thị Thì và Nguyễn Diệu Linh tại phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 26/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm chết 13 người, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

Đây là vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chú ý, không chỉ vì mức độ thiệt hại nghiêm trọng của vụ án mà đây còn là lời cảnh báo về tình hình mất an toàn về phòng cháy chữa cháy tại các nhà hàng, quán karaoke trên địa bàn thành phố nói chung.

Ba bị cáo trong vụ án này gồm Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 1986, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội), Hoàng Văn Tuấn (sinh năm 1993, ở tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, sinh năm 1962, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” theo quy định tại Điều 240, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, Nguyễn Diệu Linh là chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông (thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ) nhưng đã tự ý thay đổi; không làm theo đúng thiết kế về phòng cháy, chữa cháy theo bản thiết kế đã được thẩm duyệt và không kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị. Trong khi quán karaoke 68 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu, thì trưa ngày 1/11/2016, Nguyễn Diệu Linh vẫn chỉ đạo nhân viên của quán karaoke này cho hai tốp khách vào hát tại các phòng 502 và 506.

[Truy tố 3 đối tượng trong vụ cháy quán karaoke làm 13 người tử vong]

Hoàng Văn Tuấn (là thợ hàn) không có chứng chỉ về công việc hàn điện; chưa được huấn luyện về an toàn lao động; chưa được cấp thẻ an toàn và không có biện pháp phòng, chống cháy khi thi công lắp đặt thiết bị tại quán karaoke 68. Do vậy, trong lúc dùng máy hàn điện “thổi lửa” trực tiếp vào bản lề cửa nhằm mục đích dùng nhiệt cắt bản lề ra dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây ra vụ hỏa hoạn với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 13 người trong hai tốp khách nêu trên bị thiệt mạng.

Cáo trạng xác định bị cáo Lê Thị Thì (là chủ sử dụng lao động đối với Hoàng Văn Tuấn) cũng đã vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy khi thuê người không có đủ điều kiện hành nghề đến quán karaoke 68 để thi công, lắp đặt các thiết bị phục vụ việc kinh doanh tại cơ sở này.

Theo Viện Kiểm sát, ba bị cáo Nguyễn Diệu Linh, Hoàng Văn Tuấn, Lê Thị Thì không tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy, không tuân thủ quy định về sử dụng lao động, cũng như an toàn về lao động trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và sử dụng lao động theo quy chuẩn lao động, để xảy ra vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 người chết, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Hoàng Diệu Linh từ 10-11 năm tù, Hoàng Văn Tuấn từ 6-7 năm tù, Lê Thị Thì từ 5-6 năm tù về cùng tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.” Ngoài án phạt tù, Viện Kiểm sát còn đề nghị Tòa tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho người bị hại bao gồm tổn thất về tinh thần, mai táng phí, chu cấp cho con cái nạn nhân đến năm 18 tuổi.

Viện Kiểm sát nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đã tước đi sinh mạng của 13 người, thiệt hại tài sản lớn và gây ra dư luận xấu trong xã hội. Trong số ba bị cáo, bị cáo Linh đóng vai trò quan trọng nhất với trách nhiệm là chủ cơ sở, biết quán karaoke của mình chưa hoàn thiện nhưng vẫn nhận khách vào hát. Bị cáo Tuấn trực tiếp dùng que hàn thổi lửa gây cháy, nên giữ vai trò quan trọng thứ 2. Bị cáo Thì là người tiếp nhận Tuấn vào làm việc khi Tuấn chưa có đủ điều kiện hành nghề, nên đóng vai trò thứ 3 trong vụ án.

Trình bày tại tòa, hai bị cáo Hoàng Diệu Linh và Lê Thị Thì bày tỏ mong muốn được Hội đồng xét xử xem xét áp dụng hình phạt nhẹ nhất. Còn bị cáo Hoàng Văn Tuấn xin gia đình các bị hại tha thứ cho sự bất cẩn, thiếu hiểu biết của bị cáo.

Trước đó, tại tòa, đại diện gia đình các bị cáo đều yêu cầu Hội đồng xét xử phạt nghiêm minh, áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với cả ba bị cáo, do họ cho rằng cả ba bị cáo đã không thể hiện được sự ăn năn hối cải khi để xảy ra vụ hỏa hoạn.

Giải thích về việc này, bị cáo Linh khai bị cáo không trốn tránh trách nhiệm, việc không thể đến từng nhà nạn nhân để thăm hỏi, động viên là do bị cấm đi khỏi nơi cư trú, vì gia đình neo người nên đã phải nhờ người quen đến các gia đình nạn nhân để chia sẻ.

Ngày 27/3, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục