Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả vừa có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét miễn, giảm giá dịch vụ cho một số xe ôtô của tỉnh Phú Yên qua trạm thu phí Bàn Thạch (Km1298+150, Quốc lộ 1), dự án hầm Đèo Cả với tổng số 529 xe các loại.
Hiện nay, trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Bàn Thạch (Km1298+150, Quốc lộ 1) là trạm thu hoàn vốn đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả.
[Hầm đường bộ Đèo Cả nối Phú Yên-Khánh Hòa chính thức khai thác]
Trong quá trình hoạt động, theo đánh giá của lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, việc vận hành trạm Bàn Thạch luôn thực hiện theo đúng các quy định cùa cơ quan Nhà nước, không gây ách tác giao thông.
Để có cơ sở cho việc thực hiện tại trạm Bàn Thạch cũng như điều chỉnh hợp đồng dự án (theo điều 53 và điều 57), Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết những ý kiến của tỉnh Phú Yên với nguyên tác đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả xây dựng phương án tài chính cụ thể để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét mức hỗ trợ phù hợp cho việc miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho 529 xe các loại thuộc một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
[Phương án tài chính tổng thể Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả]
Được biết, trạm thu phí Bàn Thạch tại xã An Dân, huyện Tuy An là một trong ba trạm thu phí hoàn vốn cho dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả. Dự án này có mức đầu tư lớn cộng với thời gian kéo dài nên Chính phủ đã hỗ trợ nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả) bằng hình thức giao quyền thu phí tại hai trạm thu phí Bàn Thạch tại Km1350+150 (thuộc Phú Yên) và Ninh An tại Km1408+200 (thuộc Khánh Hòa).
Cụ thể, trạm thu phí Bàn Thạch tại xã An Dân cách trạm thu phí hầm đèo Cả là 55,8km, cách trạm thu phí của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 BOT Bình Định là 85,7km.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp vận tải và người dân cho rằng, việc di dời trạm thu phí Bàn Thạch về địa phận xã An Dân (huyện Tuy An), nơi cách xa hầm đường bộ đèo Cả là chưa hợp lý, các phương tiện dù không đi qua hầm đường bộ đèo Cả nhưng vẫn phải đóng phí.
Hầm đường bộ Đèo Cả, trên Quốc lộ 1A nối Khánh Hòa với Phú Yên, sau gần 5 năm thi công đã chính thức được thông xe vào ngày 21/8 vừa qua. Hầm dài hơn 4km, gồm 2 ống ngầm song song, cách nhau 30m; được trang bị hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn.
Hầm có hai làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 80km/giờ và có thể chịu đựng được động đất cấp 7. Đây là hầm đường bộ dài thứ hai cả nước, đứng sau hầm Hải Vân.
Năm 2012, do ngân sách khó khăn nên Thủ tướng quyết định giao công ty hai trạm Ninh An và Bàn Thạch để thu phí, số tiền thu được một phần vốn đối ứng hợp đồng BT dự án hầm Đèo Cả.
Trạm Ninh An sau đó chuyển sang thu phí cho dự án BOT Quốc lộ 1A và không làm nhiệm vụ thu phí hoàn vốn Đèo Cả. Trường hợp trạm thu phí Bàn Thạch nằm ở gần hầm được dời về xã An Dân (huyện Tuy Hòa, Phú Yên) là để đảm bảo khoảng cách 70km giữa hai trạm./.