Đề nghị không tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Đại biểu Quốc hội cho rằng không nên tổ chức cho phạm nhân ra ngoài trại giam, sẽ gây phản cảm, đồng thời tạo điều kiện cho phạm nhân trốn trại.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thảo luận ở tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của phạm nhân

Cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), nêu rõ đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều điều luật về tư pháp, tác động trực tiếp đến đời sống, an ninh xã hội.

Qua xem xét dự thảo Luật, ý kiến của các cử tri, đại biểu thống nhất với Ủy ban Tư pháp là dự án Luật cần được hoàn thiện để đảm bảo chất lượng, tính khả thi và mong muốn của cộng đồng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua dự án Luật theo quy trình ba kỳ họp.

[Xem xét, hoàn chỉnh Luật Thi hành án hình sự sửa đổi trong 3 kỳ họp]

Về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, đại biểu cho rằng quy định nội dung này nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của bản án kết hợp trừng trị, giáo dục người phạm tội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội song cũng bảo vệ quyền con người, tạo điều kiện để người phạm tội hướng thiện.

Điều 14, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “... các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Vì vậy, việc xác định quyền bị hạn chế của người phạm tội là yêu cầu cần làm rõ trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu, Điều 27, dự thảo Luật đã quy định các nhóm quyền của phạm nhân, trong đó có nhiều quy định cụ thể nhưng cũng có quy định nêu chung chung, mang tính nguyên tắc. Cụ thể, dự thảo Luật quy định: "Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ." Quy định như vậy sẽ khó thực hiện, chưa khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn.

Nhiều ý kiến cho rằng đối với người chấp hành án phạt tù, do họ bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội. Việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân phải có bước đi phù hợp để đảm bảo tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức.

Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Kiên Giang, Quảng Trị thảo luận ở tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Một trong những quy định mới của dự thảo Luật là vấn đề tổ chức lao động và dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Tuy nhiên, một số đại biểu không đồng tình với quy định này và cho rằng mục đích của hình phạt là trừng trị, phòng ngừa tội phạm, giáo dục cải tạo người phạm tội. Phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại trại giam là thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước, cách ly phạm nhân khỏi đời sống xã hội dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam. Việc đưa lao động ra ngoài xã hội không đảm bảo được yêu cầu của công tác thi hành án phạt tù.

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) phân tích qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ trong công tác thi hành án phạt tù, một trong những hạn chế là lực lượng làm nhiệm vụ thi hành án còn thiếu, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, lơ là, mất cảnh giác để đối tượng lợi dụng vi phạm. Do đó, dự thảo Luật là chưa đảm bảo tính khả thi và có thể nhìn thấy trước những rủi ro, phức tạp; nguy cơ cao là phạm nhân trốn khỏi sự kiểm soát của cán bộ quản lý trại giam, gây tiêu cực đến cộng đồng xã hội như khu dân cư, vùng lân cận khu vực sản xuất...

Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) cho rằng không nên tổ chức cho phạm nhân ra ngoài trại giam, sẽ gây phản cảm, đồng thời tạo điều kiện cho phạm nhân trốn trại.

Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 32 dự thảo Luật quy định trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động. Theo đại biểu, chỉ nên tổ chức cho phạm nhân học nghề, lao động sản xuất trong trại giam. Trại giam có thể ký hợp đồng với các doanh nghiệp để bán sản phẩm, chứ không nên đưa phạm nhân ra ngoài lao động sản xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhấn mạnh cần xem xét kỹ quy định tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam nhằm đảm bảo tính khả thi. Cải tạo phạm nhân để thành người có ích cho xã hội thì cần phải có sự khác biệt, cần có sự cách ly với xã hội khi thi hành án phạt tù. Do vậy, lao động của phạm nhân phải tổ chức trong khu vực trại giam vừa đảm bảo an toàn, tránh phạm nhân trốn trại.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng cũng băn khoăn nội dung về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Đây là nội dung mới nhưng các vấn đề về thủ tục; việc đình chỉ hoạt động có thời hạn của pháp nhân, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoạt động của pháp nhân, cấm kinh doanh... chưa được phân tích cụ thể; từ đó việc triển khai trong thực tế sẽ rất khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, dự thảo Luật có tới 13 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết sẽ dẫn đến tình trạng luật chờ văn bản hướng dẫn. Do vậy, ban soạn thảo cần tính toán để đưa các quy định này vào trong Luật.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Tại phiên thảo luận tổ chiều 12/11, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho biết việc sử dụng rượu, bia đang tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, làm mất khả năng lao động, gây ra đói nghèo cùng rất nhiều các vấn đề xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, mất trật tự an toàn xã hội...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Lê Thị Yến thảo luận ở tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu nhấn mạnh thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do sử dụng rượu bia quá mức, để lại hậu quả nặng nề. Theo đại biểu, nếu so với lợi ích kinh tế mà rượu, bia mang lại thì phí tổn để khắc phục hậu quả của rượu bia còn lớn hơn rất nhiều, từ thực tiễn đó, đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “Phòng bệnh hơn chữa bệnh,” tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng bày tỏ sự đồng tình cao với việc ban hành Luật nhằm giảm thiểu tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xem xét lại tên gọi của Luật, bởi tên Luật là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” là không chính xác, không phù hợp thực tế.

Việc nhấn mạnh “phòng, chống” trong tên Luật sẽ gây hiểu lầm, tạo ác cảm “bia rượu là độc hại” trong khi độc hại chỉ xảy ra khi sử dụng quá liều hoặc sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, sản xuất rượu bia hiện nay là một ngành thương mại có vai trò quan trọng. “Không nên lấy tác hại - yếu tố phụ để đặt tên cho Luật trong khi mục đích của Luật là phòng, chống phần độc hại trong rượu bia và lạm dụng rượu bia,” đại biểu chỉ rõ.

Đại biểu đề nghị cần thay thế tên luật bằng tên gọi khác và đề xuất tên gọi như “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật Kiểm soát việc lạm dụng rượu bia” nếu chỉ tập trung vào việc hạn chế tác hại của rượu bia hay “Luật Quản lý rượu bia” nếu như quy định cả điều kiện kinh doanh rượu bia.

Đề cập đến chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhấn mạnh Luật phải phân loại rõ hơn, chi tiết hơn về các loại rượu, bia ở các mức độ cồn khác nhau. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cửa hàng tăng bán các loại bia, rượu độ cồn thấp và giảm bán những loại rượu, bia có độ cồn cao. Bởi theo đại biểu, khi sử dụng loại rượu bia ít độ cồn và không độ cồn sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống mà vẫn đảm bảo văn hóa giao lưu.

Đại biểu cho biết những loại bia, rượu không độ cồn, trẻ em và phụ nữ đều có thể dùng được. Đây là những sản phẩm thay thế tốt cần quan tâm, nghiên cứu đưa vào thị trường. Đại biểu cho rằng nếu dự thảo Luật quy định cấm luôn mà không có sản phẩm thay thế thì sẽ khó khả thi khi triển khai trong thực tiễn.

Một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định tất cả các điểm bán rượu, bia đều bắt buộc phải trưng bày những sản phẩm bia, rượu không cồn và ít độ cồn để người dân tiếp cận, biết đến, sử dụng các sản phẩm nhiều hơn, dần thay thế các loại, bia rượu độ cồn cao gây hại cho sức khỏe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục