Kho mộc bản kinh Phật

Đề nghị kho mộc bản kinh Phật là di sản thế giới

Kho mộc bản kinh Phật của Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm, gồm 3.050 bản gỗ rời được khắc từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Kho mộc bản kinh Phật của Thiền phái Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang, hiện được coi là bảo vật quốc gia, với tổng số 3.050 bản gỗ rời được san khắc nhiều đợt trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương tiến hành lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận kho báu này là Di sản tư liệu thế giới.

Theo các nhà khoa học, đây là kho mộc bản kinh Phật duy nhất hiện còn lưu giữ được của Thiền phái Trúc Lâm-Thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Kho mộc bản kinh Phật này là di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực về lịch sử Phật giáo, tư tưởng-văn hóa hành đạo và nhập thế của dòng Thiền Trúc Lâm, lịch sử nghề in khắc mộc bản, thân thế và sự nghiệp của một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hóa dân tộc...

Mỗi mộc bản kinh Phật cũng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tinh xảo, thể hiện tài hoa của người thợ Việt xưa và là nguồn tư liệu để tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam thời Lê-Nguyễn. Bên cạnh giá trị ở phương diện hiện vật bảo tàng, các mộc bản kinh Phật còn là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt, của chữ Nôm trong lịch sử.

Năm 1964, kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di sản lịch sử-văn hóa hạng A (di sản cấp quốc gia) cùng với những di vật khác tại đây như công trình kiến trúc, tượng Phật, bia đá, hệ thống hoành phi câu đối...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, cho biết, các mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, được coi là âm bản nên chữ khắc ngược và khi in ra giấy sẽ thành chữ xuôi, được đóng sách và sử dụng theo truyền thống của người phương Đông xưa là đọc từ trái sang phải và từ trên xuống dưới.

Các mộc bản được khắc trên các mảnh ván làm bằng gỗ thị, một loại gỗ tốt, được coi là thứ gỗ linh thiêng, màu trắng, ít cong vênh hay nứt vỡ, khi tươi thì mềm, khi khô thì dai và cứng rắn nên thích hợp cho việc san khắc. Kích thước các mộc bản không đồng đều, trung bình cỡ 33cm x 23cm x 2,5cm và vì đã qua nhiều lần in nên các ván in đều có màu đen bóng do bề mặt được phủ một lớp dầu mực in khá dầy. Lớp dầu này thấm sâu vào ruột gỗ lại có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc và mối mọt rất hiệu quả.

Phần lớn ván in được khắc chữ Hán trên hai mặt, kiểu chữ chân phương, chữ khắc sâu khoảng 1,5mm, sắc nét; mỗi mặt ván hai trang sách, khắc chạm đúng chuẩn mực theo kiểu đóng sách của người xưa. Những mộc bản này do các phường thợ khắc từ Kinh Bắc, Hải Dương xưa được mời về san khắc tại chùa. Từ khi ra đời đến nay, kho mộc bản kinh Phật vẫn được nhà chùa in ấn rồi đóng thành sách phát hành cho Phật tử và được bảo quản tại chùa theo phương pháp thủ công truyền thống.

Chùa Vĩnh Nghiêm hiện nằm trên diện tích hơn một vạn mét vuông, công trình kiến trúc gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc được sắp xếp trong không gian xác định hình chữ nhật, theo trật tự từ hướng Nam đến hướng Bắc với năm tổ hợp kiến trúc chính là Tam quan, Tam bảo, Tổ đường đệ nhất, gác chuông, Tổ đường đệ nhị và hai bên tả hữu có hai dãy hành lang. Bên trái phía trước vườn chùa có vườn tháp là nơi an táng xá lị, nhục cốt của các nhà sư viên tịch tại chùa.

Chùa do sư tổ Thiền phái Trúc Lâm là Giác Hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông xây dựng thành thiền viện từ cuối thế kỷ 8 trên nền móng của một ngôi chùa nhỏ có từ thời Lý (thế kỷ 11- thế kỷ 13). Từ khi xây dựng đến nay, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, chùa đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân./.

Như Kính (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục