Đề nghị Hà Nội lên phương án bảo vệ di chỉ khảo cổ học thời dựng nước

Di chỉ Vườn Chuối là phức hệ di chỉ cư trú-mộ táng phát triển liên tục qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu-Gỗ Mun-Đông Sơn thuộc giai đoạn tiền sử và sơ sử ở miền Bắc.
Toàn cảnh di chỉ Vườn Chuối. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)

Liên quan đến việc “cứu” di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) khỏi tình trạng bị xâm hại hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa di chỉ này vào danh mục kiểm kê di tích của Thủ đô, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích để bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Thông tin trên được nêu rõ tại Công số 4550/BVHTTDL-DSVH của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa

Công văn nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1470/QĐ-BVHTTDL (ngày 23/4/2019) cho phép Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật cụm di chỉ Vườn Chuối (bao gồm di chỉ Vườn Chuối, di chỉ Rền Rắn và di chỉ Mỏ Phượng).

Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại đây đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ của cụm di chỉ này. Cụ thể, đợt khai quật khảo cổ đã phát hiện được số lượng lớn hiện vật (bằng nhiều chất liệu khác nhau: đá, đồng, gốm), dấu tích của bếp lửa, lò nung, mộ táng gắn với các tầng văn hóa giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn (có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 năm).

[Kiểm tra thông tin di chỉ Vườn Chuối bị đổ phế thải san lấp]

Đại diện Viện Khảo cổ học cho biết, cụm di chỉ Vườn Chuối có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu các giai đoạn văn hóa thời đại kim khí phát triển liên tục từ Đồng Đậu-Gò Mun-Đông Sơn ở Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung.

Di chỉ Vườn Chuối được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1969. Về mặt lịch sử, di chỉ này tương ứng với lịch sử thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương dựng nước.

Kết quả từ 9 cuộc khai quật nghiên cứu khảo cổ đã xác định đây là một phức hệ di chỉ cư trú-mộ táng phát triển liên tục qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu-Gỗ Mun-Đông Sơn thuộc giai đoạn tiền sử và sơ sử ở miền Bắc Việt Nam.

Đặc biệt, hiện nay, dạng di chỉ phản ánh các giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn như vậy tại Hà Nội hiện nay có số lượng không nhiều.

Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mở đường

Tuy nhiên, khu vực khảo cổ học Vườn Chuối nằm trong phạm vi dự án Khu đô thị mới Kim Chung-Di Trạch của thành phố Hà Nội do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex là chủ đầu tư. Phía Tây gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3,5 của Hà Nội.

Mộ táng phát hiện tại di chỉ Vườn Chuối. (Ảnh: Viện Khảo cổ học)

Vào tháng 10/2019, Vietracimex tiến hành xây dựng đường nội bộ, san nền khu đô thị và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía Nam gò Vườn Chuối. Việc này đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ di tích), Dền Rắn (diện tích san lấp vào phạm vi di tích khoảng 50%).

Bởi vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mở đường 3,5 tránh khỏi khu vực di chỉ Vườn Chuối theo kết quả khai quật khảo cổ.

Ngoài ra, Hà Nội cần yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức, chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công có biện pháp bảo vệ di chỉ trong quá trình thi công, đảm bảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan văn hóa theo dõi và dừng thi công khi phát hiện di tích (theo quy định tại Khoản 18, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa).

Ngày 12/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất giải pháp bảo tồn khi di chỉ đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Báo cáo của Sở nêu rõ, hiện tượng đào trộm cổ vật xảy ra ở di chỉ Vườn Chuối diễn ra một cách công khai sau khi đoàn khảo cổ dừng khai quật.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thống nhất với Viện Khảo cổ học đề nghị bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục