Đề nghị giữ nguyên hình phạt với bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm

Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao không chấp nhận kháng cáo kêu oan, kháng cáo xin miễn, giảm bồi thường thiệt hại của các bị cáo trong phiên phúc thẩm vụ PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank.
Đề nghị giữ nguyên hình phạt với bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm ảnh 1Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 22/6, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị không chấp nhận kháng cáo kêu oan, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo xin miễn, giảm bồi thường thiệt hại của các bị cáo trong phiên phúc thẩm vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo

Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án sơ thẩm, 7/7 bị cáo trong vụ án này đã có đơn kháng cáo gồm Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên PVN); Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Vũ Khánh Trường (sinh năm 1954, nguyên thành viên Hội đồng Thành viên PVN); Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1955, nguyên thành viên Hội đồng Thành viên PVN); Phan Đình Đức (sinh năm 1960, thành viên Hội đồng Thành viên PVN); Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1955, nguyên thành viên Hội đồng Thành viên PVN) và bị cáo Ninh Văn Quỳnh (sinh năm 1958, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN).

[Vụ PVN mất 800 tỷ đồng: Bị cáo Đinh La Thăng trình bày lý do kháng cáo]

Bản án sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù, Nguyễn Xuân Sơn 30 tháng tù, Vũ Khánh Trường 5 năm tù, Nguyễn Xuân Thắng 22 tháng tù, Nguyễn Thanh Liêm bị phạt 20 tháng cải tạo không giam giữ và Phan Đình Đức 15 tháng cải tạo không giam giữ về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng."

Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị phạt 23 năm tù cho cả hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản."

Đề nghị giữ nguyên hình phạt với bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm ảnh 2Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên PVN, trả lời trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngoài án phạt tù, Tòa cấp sơ thẩm còn tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng. Bị cáo Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường bồi thường 40 tỷ đồng. bốn bị cáo còn lại, mỗi bị cáo phải bồi thường 15 tỷ đồng.

Nêu quan điểm luận tội tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhận định bản án sơ thẩm kết tội các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan; từ đó đề nghị không chấp nhận kháng cáo kêu oan, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo xin miễn, giảm bồi thường thiệt hại của các bị cáo Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức.

Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn rút phần đơn kháng cáo về hình phạt và bồi thường dân sự nên Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng phúc thẩm đình chỉ đối với phần kháng cáo này của bị cáo Sơn.

Không có tình tiết mới để giảm nhẹ hình phạt

Theo nhận định của Viện Kiểm sát, trong việc góp vốn tại Ngân hàng Oceanbank giai đoạn 2008-2011, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN) đã ký thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008 về việc tham gia góp vốn vào Ngân hàng Oceanbank với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank) nhưng không thông qua Hội đồng Quản trị PVN là trái với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Quản trị và Điều lệ tổ chức hoạt động của PVN. Mặt khác, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn vào Oceanbank để PVN trở thành cổ đông của ngân hàng này khi chưa biết tình hình, kết quả hoạt động của Oceanbank.

Đánh giá tổng thể và biện chứng trong ba lần góp vốn, bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm làm trái ý kiến của Chính phủ có tính hệ thống. Các bị cáo báo cáo Chính phủ chỉ mang tính thủ tục, hình thức; khi thực hiện góp vốn, các bị cáo bàng quan với năng lực, thực trạng hoạt động kinh doanh của Oceanbank. Việc bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc ngân hàng Hồng Việt thành lập thất bại tạo hệ lụy, nhưng việc này chỉ làm thay đổi mức độ lỗi chứ không thay đổi hành vi phạm tội của các bị cáo.

Đề nghị giữ nguyên hình phạt với bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm ảnh 3Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo nhận định của Viện Kiểm sát, trong vụ án này bị cáo Đinh La Thăng là người giữ vai trò chính trong vụ án, đưa ra chủ trương, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Với hậu quả đặc biệt lớn, bản án sơ thẩm cũng đã xem xét quá trình đóng góp của bị cáo cho xã hội, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án được tặng nhiều danh hiệu cao quý. Cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ đúng pháp luật.

Viện Kiểm sát cho rằng đến thời điểm này phiên phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ nào mới, từ đó đề nghị giữ nguyên mức hình phạt như quyết định của bản án sơ thẩm với bị cáo Đinh La Thăng.

Với bị cáo Ninh Văn Quỳnh, là Kế toán trưởng hiểu biết rõ quy định về kinh doanh, quy định của Bộ Tài chính, thực trạng kinh doanh của Oceanbank. Không những thế bị cáo đã nhận 20 tỷ đồng do Nguyễn Xuân Sơn đưa cho. Do đó, vai trò của Ninh Văn Quỳnh trong vụ án quan trọng chỉ sau bị cáo Thăng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo khai báo thành khẩn, phối hợp làm rõ nhiều hành vi liên quan, gia đình có truyền thống cách mạng, có công lao phát triển ngành dầu khí. Cấp sơ thẩm cho hưởng tình tiết giảm nhẹ là có căn cứ đúng pháp luật. Nhưng do vai trò phạm tội đặc biệt quan trọng nên mức án sơ thẩm tuyên cơ bản phù hợp, không oan. Ngoài ra, bị cáo Quỳnh còn chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, xâm phạm lợi ích nhà nước, tính thanh liêm của cán bộ.

Việc cấp sơ thẩm tuyên mức phạt 17 năm tù là đã được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có khắc phục hậu quả. Mức hình phạt tuyên đã thấp dưới khung truy tố. Tại phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo Quỳnh đã khắc phục 200 triệu đồng song so với số tiền bị cáo phải khắc phục là không đáng kể nên không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt.

Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát cho rằng bản án sơ thẩm quy buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường 800 tỷ đồng cho PVN là có căn cứ, đúng pháp luật, nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo xin miễn, giảm bồi thường dân sự cho các bị cáo.

Đối với kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn đề nghị quy buộc Ninh Văn Quỳnh toàn bộ 200 tỷ đồng, Viện Kiểm sát nhận thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đến nay chỉ có cơ sở xác nhận Ninh Văn Quỳnh nhận và chiếm đoạt 20 tỷ đồng của Oceanbank do Sơn đưa, nên không đủ căn cứ để buộc Quỳnh nhận và chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Oceanbank. Từ đó Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.

Sau phần trình bày quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát, Tòa phúc thẩm chuyển sang phần tranh luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục