Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 11, sáng 6/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Rút Luật Công an xã ra khỏi Chương trình năm 2018
Theo Tờ trình của Chính phủ, nguyên tắc lập Đề nghị của Chính phủ là ưu tiên các dự án luật sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; các dự án luật, pháp lệnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp; tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ngoài ra, Đề nghị Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 cần đảm bảo tính khả thi, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra; thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị đưa 19 dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đề nghị đưa 5 dự án luật vào Chương trình thông qua gồm 2 dự án luật thuộc Chương trình năm 2018 là Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; 2 dự án mới được đề xuất, bổ sung vào Chương trình năm 2018 là Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi) và 1 dự án đề nghị lùi thời hạn trình từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị đưa 9 dự án luật vào Chương trình để cho ý kiến.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình thông qua 10 dự án và trình Quốc hội cho ý kiến 4 dự án luật.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 13 dự án, trong đó rút ra khỏi Chương trình 1 dự án luật (Luật Công an xã); lùi thời hạn trình 2 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường); đề nghị bổ sung vào Chương trình 10 dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Không chạy theo số lượng
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với các nguyên tắc lập Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Các đại biểu nhấn mạnh việc điều chỉnh Chương trình năm 2018 cơ bản không làm ảnh hưởng, thay đổi Chương trình đã được Quốc hội quyết định; chỉ cho rút, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa đảm bảo chất lượng, tiến độ nhưng cơ quan trình phải báo cáo cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc đưa các dự án mới vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi Kỳ họp, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.
[Khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội]
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, các thành viên Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ lùi thời điểm trình Quốc hội từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể việc thông qua dự án ngay tại Kỳ họp thứ 8 hay tại kỳ họp tiếp theo căn cứ vào nội dung, chất lượng chuẩn bị dự án.
Đối với các dự án cần sửa đổi, bổ sung để thực hiện đồng bộ với Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), các đại biểu cho rằng cần được ưu tiên đưa vào Kỳ họp thứ 5, hạn chế đưa vào Kỳ họp thứ 6.
Có ý kiến đề nghị để bảo đảm tính khả thi của Chương trình thì tại Kỳ họp thứ 5 chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết để thực hiện Luật Quy hoạch, những nội dung không liên quan đến quy hoạch thì tách ra để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và có thể trình muộn hơn.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Pháp luật thống nhất phương án điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 5, trình Quốc hội thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 11 dự án luật.
Tại Kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật và cho ý kiến 5 dự án. Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 bổ sung dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế môi trường.
Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 sẽ gồm 15 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7 trình Quốc hội thông qua 5 dự án (đã được cho ý kiến tại Kỳ 6) và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 7 luật và cho ý kiến 3 dự án luật.
Để nâng cao chất lượng các dự án luật, các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; đầu tư nguồn lực thỏa đáng, đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc thảo luận mỗi dự án; lãnh đạo các bộ, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo sớm xây dựng Kế hoạch thực hiện cụ thể; bảo đảm dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua phải được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản./.