Đề nghị Đại sứ quán UAE hỗ trợ xử lý vụ nghi lừa xuất khẩu nông sản

Số lượng hàng hóa nghi bị lừa đảo khi xuất khẩu vào UAE gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều; tổng giá trị 5 container hàng là gần 517.000 USD.
Container hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc có dấu hiệu lừa đảo hàng gia vị và nông sản xuất khẩu Việt Nam sang thị trường UAE, ngày 24/7, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam có thông tin cập nhật về vụ việc và kiến nghị các bộ, ngành liên quan có biện pháp hỗ trợ.

Theo ghi nhận của hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã ký hợp đồng bán hàng cho một công ty có trụ sở tại Dubai, UAE.

Số lượng hàng hóa bao gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều; tổng giá trị 5 container hàng là gần 517.000 USD.

Hợp đồng xác định bên bán sẽ giao hàng tại cảng Jebel Ali Dubai-UAE trong tháng Sáu và tháng Bảy năm 2023.

Điều khoản thanh toán là nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P) thông qua ngân hàng Ajman Bank PJSC (có trụ sở chính tạiEttehad Street, Next to Etisalat Building, Mushairef, Ajman, UAE), tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền.

Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập.

Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank PJSC và nhân viên ngân hàng Ajman Bank PJSC đã xác nhận ký nhận thành công cả 5 bộ chứng từ cho 5 container.

Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman Bank PJSC nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC thanh toán nhưng không được thực hiện.

Nhận thấy sự trì hoãn, chây ỳ từ phía ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện 4 container hàng đã cập cảng (2 container hồ tiêu, 1 container quế và 1 container điều) đều đã được giao cho người có bộ chứng từ gốc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu chưa được ngân hàng bên mua thanh toán tiền hàng của 4 container này, trị giá khoảng 400.000 USD.

Khi doanh nghiệp xuất khẩu phát hiện vụ việc thì hàng đã được lấy ra khỏi cảng, không liên lạc được với người mua và nay công ty mua hàng cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký.

Vì vậy, các công ty đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam gửi điện đòi ngân hàng Ajman Bank PJSC trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp, nhưng đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.

Riêng container hoa hồi đang trên đường vận chuyển và dự kiến sẽ cập cảng Jebel Ali Dubai-UAE vào ngày 26/7 nhưng doanh nghiệp bán cũng đã bị mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc.

[Nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân: Bộ Công Thương vào cuộc]

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết ngay sau khi được doanh nghiệp trình báo sự việc, hiệp hội đã nhanh chóng báo cáo cơ quan chức trách liên quan và đề nghị phối hợp hỗ trợ giúp doanh nghiệp thu hồi tiền hàng.

Cụ thể, hiệp hội đã gửi công văn báo cáo Bộ Công Thương, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại UAE. Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã gửi công hàm đi các cơ quan liên quan của UAE gồm Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Trung ương, Cảnh sát Dubai và Ngân hàng Ajman Bank PJSC.

Sản xuất điều xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Ngày 18/7 Thương vụ Việt Nam tại UAE làm việc, trao công hàm cho Ngân hàng Ajman BankPJSC. Sau buổi làm việc Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết ngân hàng đã tiếp nhận hồ sơ và thông báo mọi việc liên quan sẽ do trụ sở chính của Ajman Bank PJSC xử lý.

Ngày 20/7, Thương vụ Việt Nam tại UAE tiếp tục đi làm việc với cảnh sát Dubai để yêu cầu mở hồ sơ điều tra vụ án lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến một khách hàng Dubai và Ngân hàng Ajman Bank PJSC.

Hiện, hiệp hội tiếp tục có công văn báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước về tình hình khẩn cấp của sự việc và đề nghị các cơ quan hỗ trợ khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Dubai để chặn người mua/đại diện người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc của container hoa hồi trước ngày 26/7.

Nếu không kịp can thiệp với hãng tàu, với cảng vụ, với cảnh sát Dubai UAE trước ngày 26/7 thì chắc chắn container hoa hồi trị giá 126.300 USD sẽ bị mất trắng như 4 container hàng trước đó.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của UAE và Dubai nói riêng có biện pháp xử lý sự việc.

Cụ thể, yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC chịu trách nhiệm liên đới cho hành vi lừa đảo có tổ chức nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam và phải có trách nhiệm giúp thu hồi tiền hàng cho 4 container đã lấy hàng ra khỏi cảng theo đúng điều khoản thanh toán hợp đồng D/P.

Đối với lô hàng container hoa hồi dự kiến cập cảng vào ngày 26/7, yêu cầu cảng vụ Jebel Ali Port Authority tại UAE giữ lại tại cảng, không cho người mua lấy hàng ra khỏi cảng vì lý do tranh chấp để có các bước xử lý tiếp theo.

“Đây là vụ việc có tính chất lừa đảo rất tinh vi, nghiêm trọng, có sự liên đới trách nhiệm của cùng một người mua với cùng một ngân hàng thực hiện nghiệp vụ nhờ thu D/P (trả tiền trao chứng từ) với nhiều doanh nghiệp và ngân hàng phía Việt Nam. Do đó, nếu không có sự vào cuộc hỗ trợ, tác động sớm của các cấp gồm Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương thì chắc chắn Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu rất khó có khả năng thu hồi giá trị lô hàng đã bị lấy mất.

Sự việc này phải được giải quyết sớm để một mặt giúp doanh nghiệp thu hồi tiền hàng, hạn chế tổn thất nhưng quan trọng hơn để kịp thời ngăn chặn các trường hợp tương tự khác có thể xảy ra trong bối cảnh thị trường thế giới ngày một khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro," bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục