Đề nghị công nhận Nhà nước Palestine vào 23/9

Ngày 19/9, Tổng thống Abbas cho biết sẽ đề nghị LHQ công nhận nhà nước Palestine là thành viên chính thức vào ngày 23/9 tới.
Ngày 19/9, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cho biết ông sẽ chính thức đề nghị Liên hợp quốc công nhận nhà nước Palestine là thành viên chính thức vào ngày 23/9 tới, bất chấp các sức ép ngày càng lớn của Israel và Mỹ ngăn cản nỗ lực của Palestine.

Tổng thống Abbas đã thông báo kế hoạch trên với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong cuộc gặp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết tại cuộc gặp, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hai nhà nước và bày tỏ hy vọng Palestine và Israel có thể sớm nối lại các cuộc đàm phán trong một khuôn khổ hợp pháp và cân bằng. Tổng thống Abbas đã khẳng định cam kết theo đuổi một "giải pháp thương lượng" với Israel.

Các thủ tục để được công nhận là thành viên chính thức của Liên hợp quốc bắt đầu bằng việc Tổng thống Abbas gửi đơn đề nghị tới Tổng thư ký Ban Ki-moon, tiếp đó ông Ban Ki-moon xem xét và chuyển cho Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua.

Để được chấp thuận, Palestine cần phải nhận được 9 phiếu ủng hộ trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an và không bị các thành viên thường trực phủ quyết. Nếu không thành công trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an, ông Abbas có thể trình đề nghị lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi Palestine đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, Palestine sẽ chỉ có thể được công nhận là một nhà nước quan sát viên chứ không phải là thành viên chính thức. Vị thế này cao hơn vị thế quan sát viên thường trực của Palestine hiện nay, nhưng không được tham gia các cuộc bỏ phiếu tại Liên hợp quốc.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine, ông Nabil Shaath đã xác nhận Tổng thống Abbas quyết định thúc đẩy bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an trước khi cân nhắc các lựa chọn khác.

Phát biểu với báo giới, ông Shaath cho biết về mặt chính trị, Tổng thống Abbas muốn thử nỗ lực tại Hội đồng Bảo an trước, song mọi khả năng khác vẫn được để ngỏ.

Động thái trên của Palestine là một thách thức trực tiếp với Mỹ, khi Washington đã tuyên bố sẽ phủ quyết tại cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 19/9 một lần nữa nhắc lại sự phản đối các nỗ lực đơn phương của Palestine và cho rằng con đường duy nhất để Palestine và Israel đạt được giải pháp hai nhà nước là thông qua đối thoại trực tiếp.

Các thượng nghị sỹ cấp cao thuộc cả phe Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề châu Phi của Thượng viện Chris Coons, đã gửi một bức thư tới 23 lãnh đạo châu Phi kêu gọi phản đối nỗ lực của Palestine tại Liên hợp quốc, với lý do hành động đơn phương này sẽ "hủy hoại các cơ hội đàm phán hòa bình."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhằm thảo luận một tuyên bố chính thức của nhóm Bộ Tứ về Trung Đông - gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc - nhằm tạo ra một khuôn khổ hữu ích hoặc bối cảnh thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.

Trước đó, bà Clinton cũng đã gặp Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton trong nỗ lực thúc đẩy tái khởi động đàm phán với Palestine và Israel.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cảnh báo nguy cơ "bùng nổ bạo lực" tại Trung Đông nếu cuộc xung đột Palestine không được giải quyết. Dự kiến trong ngày 20/9, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ có cuộc gặp với ông Abbas để tìm cách phá vỡ bế tắc hiện nay.

Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tối 19/9 ra một tuyên bố kêu gọi Tổng thống Palestine Abbas đàm phán trực tiếp tại New York và tiếp đó tại Jerusalem và Ramallah, trụ sở của Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) ở Bờ Tây.

Các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel bị đình trệ từ tháng 10/2010 sau khi Israel từ chối gia hạn tạm ngừng các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng của Palestine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục