Đề nghị có thêm chính sách ưu đãi cho thầy, trò vùng biển đảo

Các giáo viên ở vùng biển đảo kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có sự đầu tư và quan tâm hơn nữa đến các học sinh, giáo viên, không chỉ về cơ sở vật chất mà còn về chế độ đãi ngộ.
Đề nghị có thêm chính sách ưu đãi cho thầy, trò vùng biển đảo ảnh 1Cô Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ tại buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Đảng, Nhà nước cần có sự đầu tư và quan tâm hơn nữa đến các học sinh, giáo viên biển đảo, không chỉ về cơ sở vật chất mà còn về chế độ đãi ngộ.

Đó là những kiến nghị được các thầy cô giáo đến từ những vùng biển, đảo xa xôi nhất của Tổ quốc gửi đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng nay, ngày 13/11, tại buổi gặp mặt giữa các giáo viên biển đảo và lãnh đạo Bộ.

Phát biểu tại buổi gặp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị các giáo viên thẳng thắn đóng góp ý kiến, đem tiếng nói từ thực tiễn công tác giảng dạy để giúp cơ quan quản lý chính sách là Bộ có những điều chỉnh phù hợp.

“Trong buổi lễ hôm nay sẽ có phần khen thưởng nhưng điều đó không quan trọng bằng việc kịp thời điều chỉnh những chính sách để các thầy cô và học sinh có điều kiện dạy và học tốt hơn,” ông Nhạ nói.

Ý kiến này của Bộ trưởng đã lập tức nhận được những phản ứng tích cực từ phía các thầy cô giáo.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lại Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) mong muốn của tất cả các học sinh trên xã đảo Lại Sơn nói riêng và các đảo khác trên cả nước nói chung là được rút ngắn khoảng cách hơn nữa giữa học sinh vùng đảo và học sinh trong đất liền.

“Chúng tôi mong được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa để học sinh được tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại như có hệ thống máy vi tính, phòng học ngoại ngữ để các em theo kịp thời đại,” cô Thủy kiến nghị.

Đây cũng là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hợi, giáo viên Trường Trung học phổ thông cơ sở Ngọc Vừng (Vân Đồn, Quảng Ninh). 

Cô Hợi cho biết, so với trước đây, các đảo hiện đã được đầu tư nhiều hơn, khó khăn 10 phần giờ còn khoảng 3 phần. Nhưng khoảng cách giữa học sinh ở đảo và học sinh đất liền là rất xa. Việc tiếp cận công nghệ thông tin rất hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn.

Cụ thể như ở ​Trường Trung học phổ thông cơ sở Ngọc Vừng, mới được xây dựng khang trang hai tầng với 8 phòng học, nhưng trường lại có 9 lớp. Vì thế, một lớp vẫn phải học nhờ ở phòng nội trú.

“Chúng tôi mong được xây dựng thêm một phòng học nữa, có thêm phòng chức năng, phòng thí nghiệm cho học sinh thực hành khi học các môn lý, hóa,” cô Hợi đề xuất.

Đề nghị có thêm chính sách ưu đãi cho thầy, trò vùng biển đảo ảnh 2Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi gặp mặt giáo viên biển đảo. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Cô Phan Hồng An, giáo viên Trường Trung học cơ sở Phước Thể (Tuy Phong, Bình Thuận) cũng gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nỗi niềm của học sinh và giáo viên trên đảo. 

“Học sinh trên đảo mới chỉ được ưu tiên bảo hiểm y tế, còn những chính sách khác chưa được hưởng. Các em không được miễn giảm học phí, không được hỗ trợ chi phí học tập trong khi điều kiện kinh tế người dân khó khăn, nên rất khó để vận động phụ huynh cho con đến trường thay vì ở nhà đi đánh cá,” cô An phân trần.

Cần thêm chế độ chính sách cho học sinh cũng là đề xuất của thầy Đoàn Văn Kiều, giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Sơn Hải (Kiên Lương, Kiên Giang). 

Câu chuyện của thầy Kiều khiến cả hội trường xúc động khi kể về những học sinh Sơn Hải dù lực học rất tốt nhưng đa phần chỉ dừng ở lớp 9. 

“Ở đảo không có trường cấp ba. Muốn học lên lớp 10 các em phải rời đảo vào trọ học trong đất liền. Người dân nghèo nên chỉ có gia đình khá giả mới đủ điều kiện cho con học lên, còn rất nhiều học sinh phải nghỉ học."

"Thầy cô rất đau lòng nhưng lực bất tòng tâm. Tôi mong Bộ sẽ có chế độ tốt hơn để tạo điều kiện cho học sinh có thể vào đất liền học,” thầy Kiều xúc động nói.

Bên cạnh những kiến nghị về đầu tư cơ sở vật chất và chế độ chính sách cho học sinh, các thầy cô cũng bày tỏ mong muốn được quan tâm hơn với chế độ tốt hơn cho giáo viên.

Theo thầy Kiều, dù hiện nay giáo viên vùng biển, đảo đã được ưu tiên hơn về lương, nhưng mức thu nhập của giáo viên vẫn khá thấp so với những chi phí thầy cô phải bỏ ra cho việc đi lại, sinh hoạt. 

“Sinh hoạt ngoài đảo rất đắt đỏ. Một cân rau muống trong đất liền là 4.000 đồng nhưng ngoài đảo là 10.000 đồng. Chi phí đi lại cũng tốn kém,” thầy Kiều phân trần.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết, trường Tiểu học Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) đề nghị Bộ có thêm giải pháp để giúp các thầy cô ngoài đảo có điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao trình độ.

Trước ý kiến của các giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ sẽ ghi nhận và có giải pháp phù hợp. 

“Những vấn đề dễ, thuộc thẩm quyền của Bộ, chúng tôi sẽ giải quyết ngay. Những vấn đề khó hơn, cần xin ý kiến cấp trên, chúng tôi cũng sẽ trình lên,” ông Nhạ nói.

Cụ thể, theo ông Nhạ, tới đây, Bộ sẽ chú trọng đưa các dự án, các nhà tài trợ đầu tư đồng bộ hơn cho các trường khu vực biển đảo, tập huấn để giáo viên có điều kiện nâng cao hơn nghiệp vụ. 

Với những học sinh học tốt mà không có điều kiện theo học lên cao hơn, theo Bộ trưởng Nhạ, là một vấn đề quan trọng đặt ra.

"Các em chính là hạt giống để sau này có thể trở lại phục vụ chính đảo của mình, hoặc nếu ở vị trí công tác khác cũng sẽ hiểu hơn và quan tâm hơn đến biển đảo."

“Chúng tôi sẽ lưu tâm hơn đến chính sách cho các em như gây quỹ học bổng. Bộ cũng sẽ đề nghị hiệu trưởng các trường đại học miễn học phí cho các em. Mỗi thứ góp một ít để học sinh yên tâm học tập,” ông Nhạ nói./.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ cùng các thầy cô giáo vùng biển đảo
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục