'Đề nghị các nước giàu tăng hỗ trợ vắcxin COVID-19 cho các nước nghèo'

Mexico và Argentina cho rằng 80% lượng vắcxin COVID-19 được phân phối tại 10 nước giàu là điều không công bằng, do đó, LHQ cần sớm can thiệp để tăng lượng vắcxin cung cấp cho các nước nghèo.
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Ecatepec, Mexico, ngày 22/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Ecatepec, Mexico, ngày 22/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh việc tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19 giữa các nước nghèo và nước giàu có sự bất bình đẳng, ngày 23/2, Tổng thống hai nước Mexico và Argentina đã hối thúc Liên hợp quốc và các nước giàu trên thế giới cần giúp các nước nghèo tiếp cận dễ dàng hơn với vắcxin ngừa dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp phía Argentina Alberto Fernandez - người đang có chuyến thăm tới Mexico, Tổng thống Lopez Obrador cho biết kế hoạch của Liên hợp quốc nhằm đảm bảo các quốc gia nghèo có thể được tiếp cận với vắcxin ngừa COVID-19 dường như đang khó trở thành hiện thực khi 80% lượng vắcxin ngừa COVID-19 được phân phối tập trung chủ yếu tại 10 nước giàu có và điều này là không công bằng.

Do đó, Liên hợp quốc cần phải sớm can thiệp để việc cung cấp vắcxin cho nước nghèo không mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, ông cũng cáo buộc các nước giàu đang tìm cách tích trữ vắcxin ngừa COVID-19.

[WHO chỉ trích các nước giàu thâu tóm vắcxin phòng COVID-19]

Về phần mình, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cũng bày tỏ sự nhất trí với quan điểm trên, đồng thời cho biết ông và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đang gây sức ép để vắcxin ngừa COVID-19 được phân phối một cách công bằng trong Nhóm G20 mà Argentina và Mexico là 2 nước thành viên.

Theo nhóm nghiên cứu Our World In Data có trụ sở tại Oxford, hiện tỉ lệ vắcxin ngừa COVID-19 được tiêm cho người dân tại Mexico và Argentina là 1,3% và 1,6% trong khi tỷ lệ này tại Anh là 27% và Mỹ là 19,2%. Tỷ lệ trung bình người dân được tiêm trên thế giới là 2,7%.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc triển khai và phân bổ vắcxin ngừa COVID-19 đã dẫn tới nhiều lời chỉ trích rằng ngoại trừ các nước giàu nhất thế giới, các nước nghèo sẽ phải đợi vắcxin hàng tháng và thậm chí là nhiều năm để có thể tiếp cận với các loại vắcxin ngừa COVID-19.

Hiện cả ông Obrador và ông Fernandez đều đang phải đối mặt với những lời chỉ trích liên quan tới nỗ lực tiêm chủng cho người dân quốc gia mình, cũng như sự chậm trễ ra quyết định tham gia dự án chung sản xuất vắcxin AstraZeneca cho các nước Mỹ Latinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục