Đề nghị Bình Định xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Tổng cục Lâm nghiệp nêu rõ trong thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở tỉnh Bình Định diễn biến phức tạp, tình trạng vi phạm xảy ra thời gian dài nhưng chưa được xử lý hiệu quả.
Đề nghị Bình Định xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ảnh 1Một căn nhà sàn xây trái phép trong khu vực lòng hồ Định Bình, thuộc đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Ngày 13/7, ông Lê Đức Sáu, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị tỉnh kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua.

Văn bản nêu: Trong thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại một số địa phương thuộc tỉnh Bình Định có diễn biến phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng, điển hình như vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên 11,5ha tại tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ; vụ phá rừng, lấn chiếm trên 14,86ha rừng trồng tại các tiểu khu 144, 145, 110, 123, 124 thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Tình trạng vi phạm xảy ra trong thời gian dài nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh làm rõ tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị thông tin về Tổng cục Lâm nghiệp để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban Nhân dân các huyện Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trong thời gian vừa qua theo đề nghị của Tổng cục Lâm nghiệp-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản nêu trên.

[Vụ lấn chiếm đất rừng ở huyện Vĩnh Thạnh liên quan người nhà cán bộ]

Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan báo chí đưa tin nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra trên địa bàn huyện Phù Mỹ và Phù Cát.

Tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, cơ quan chức năng phát hiện người dân lấn chiếm 11,51 ha đất rừng được quy hoạch chức năng sản xuất, phòng hộ và rừng tự nhiên để trồng keo, bạch đàn. Đối với diện tích rừng tự nhiên, qua trưng cầu giám định cho thấy mức độ thiệt hại rừng là 78,2%. Ngành chức năng cũng đang làm có cán bộ địa phương tham gia vào vụ việc này hay không.

Tại huyện Vĩnh Thạnh, cơ quan chức năng phát hiện một hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ tại tiểu khu 184b, xã Vĩnh Hảo để xây dựng nhà sàn với diện tích gần 60m2 từ tháng 5/2021. Ủy ban Nhân dân huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm, tuy nhiên đến nay hộ dân này vẫn không chấp hành.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Sông Kôn để người dân chặt phá cây rừng và lấn chiếm 14,86ha đất rừng trồng tại các tiểu khu thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh từ năm 2014 đến nay nhưng không báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh cũng để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trên diện tích 2,4ha từ năm 2019 đến nay.

Ngoài ra, cơ quan chức năng huyện Vĩnh Thạnh cũng đang tiến hành làm rõ vụ cấp, sử dụng và chuyển nhượng 115 ha đất trồng rừng sản xuất gắn kết với trồng rừng phòng hộ tại tiểu khu 176a, xã Vĩnh Hiệp và 23,4ha đất trồng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái tại tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo của một số hộ dân trên địa bàn huyện.

Đối với các vụ việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ xây dựng nhà trái phép và cấp, sử dụng, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, qua kiểm tra ban đầu nhận thấy đều có liên quan đến người nhà đảng viên, cán bộ đương chức và cựu cán bộ lãnh đạo huyện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục