Ngày 12/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-13/4.
Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng Ngoại giao bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Anh.
Hai bên cũng đã trao đổi và thống nhất các biện pháp tăng cường và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường và biến đổi khí hậu.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; khẳng định hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là trụ cột ưu tiên trong quan hệ hai nước và nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường và tăng cường đầu tư kinh doanh vào mỗi nước, phát huy tối đa những lợi thế và cơ hội đầu tư kinh doanh do Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU mang lại ngay khi hiệp định này được phê chuẩn.
Hai bên cũng mong muốn tăng số lượng sinh viên Việt Nam sang học tại Anh, thúc đẩy triển khai dự án Đại học Việt-Anh và nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Anh tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam sang Anh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cũng cảm ơn Bộ trưởng Ngoại giao Anh sẽ xem xét thúc đẩy xây dựng và triển khai các dự án cụ thể sử dụng Quỹ Thịnh vượng mới của Chính phủ Anh để khắc phục các hậu quả của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Philip Hammond khẳng định Anh ưu tiên tăng cường quan hệ hợp tác trong giáo dục với Việt Nam, trong đó có việc thành lập Viện nghiên cứu Việt Nam-Anh quốc tại Đà Nẵng và trong các lĩnh vực khác như biến đổi khí hậu, phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đã tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU.
Hai bên cùng chia sẻ về những cơ hội và thách thức đặt ra hiện nay đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Hai bên cho rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.