Thời điểm này, người dân cả nước nô nức “du lịch trả thù” hậu COVID. Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Du lịch, có tới 12,2 triệu lượt du khách nội địa trong tháng Sáu, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020, khi đại dịch bùng phát. Song, theo nhiều công ty lữ hành, tháng Bảy du lịch Hè mới thực sự “bùng nổ.”
Các điểm đến “hot” quá tải, khách sạn kín chỗ, phương tiện vận chuyển giá “khét lẹt,” các công ty du lịch như ngồi trên “chảo lửa”… khiến nhiều chuyến xê dịch giống như “hành xác.” Vậy có cách nào để du lịch mùa cao điểm vừa vui vừa khỏe?
Kỳ nghỉ “tối tăm mặt mũi”
Thực tế cho thấy Hè năm nay nếu không lên kế hoạch sớm, đặt dịch vụ trước khoảng 1-2 tháng thì du khách khó chọn được điểm đến ưng ý hoặc phải chịu giá vé máy bay và khách sạn ngất ngưởng.
[Tubudd: ‘Trợ lý’ đắc lực giàu trải nghiệm cho khách quốc tế đến VN]
Các vùng biển miền Trung, Phú Quốc… khách đông nghìn nghịt. Đặc biệt, với Cát Bà (Hải Phòng), người dân “kêu trời” vì thường phải đợi 3-4 tiếng, thậm chí như gia đình anh Hùng (Hà Nội) đã phải đợi từ 9 giờ sáng tới 4 giờ chiều mới được “qua đò.” Dưới cái nắng 40-50 độ C, hàng trăm ôtô nối đuôi nhau tới vài km, người người nhà nhà, người già, con trẻ mỏi mệt, nheo nhóc…đi nghỉ Hè.
Giám đốc của nhiều doanh nghiệp du lịch mùa này “than” cả ngày chỉ mỗi chuyên trách việc nhận tiền khách cọc rồi các giao dịch liên quan tới tài chính mà cũng “tối tăm mặt mũi;” thậm chí có những tour tuyến quá tải phía công ty phải từ chối nhận khách… Chuyện tưởng hài hước mà lại thật, âu cũng mừng để bù đắp cho 2 năm điêu đứng của những người làm nghề.
Theo đại diện của các đơn vị lữ hành, khách từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng chuộng các điểm đến có đường bay tới Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc... Đắt giá nhất chặng nội địa là Hà Nội-Phú Quốc, tăng 50%; các chặng còn lại từ Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội tới Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... giá vé cao điểm Hè cũng tăng hơn 20%.
Giai đoạn này thực sự là cao điểm của khách sạn, khu nghỉ dưỡng... Đại diện truyền thông Tập đoàn Vingroup cho biết hệ thống khách sạn/ khu nghỉ dưỡng của tập đoàn tại Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Nam Hội An... đều đã gần kín phòng tới tháng Tám. Đáng nói, các booking đều phải đặt trước 1-2 tháng.
Các nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda hay Booking cũng đang trải qua “bão” khi các khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên ở các thành phố biển đều trong tình trạng “full” (kín phòng) hoặc chỉ còn những vị trí không đẹp.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn ngày thường trung bình ở mức 60%, nhưng cuối tuần gần 90%. Tại Đà Nẵng, tỷ lệ kín phòng khoảng 75%; phố cổ Hội An trung bình mỗi ngày 3.000 khách tham quan, gần bằng 70% so với trước dịch. Từ đầu tháng Sáu đến nay, tỷ lệ kín phòng ở Đà Nẵng đạt hơn 70%, trong đó phân khúc từ 4 sao trở lên là hơn 80%...
Cùng nhau “vượt bão” Hè
Ở nhà thì không yên, mà rủ nhau du lịch Hè cũng mệt nhoài, vậy làm sao để có một kỳ nghỉ đúng nghĩa, không áp lực? Hãy tham khảo kinh nghiệm trên các hội nhóm du lịch hoặc các chuyên gia trong ngành để tìm cách tránh đám đông ở điểm đến, hoặc lường trước khó khăn khi du lịch, đỡ cảm giác tiêu cực…
Như trường hợp chị Kiều Liên (Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù Cát Bà dịp Hè đang là điểm nóng du lịch, nhìn dòng người và ôtô tắc nghẽn phà cả nửa ngày dưới cái nắng thiêu đốt nhưng chúng tôi vẫn quyết định ‘lao vào lửa,’ bởi biết cách đi.”
Theo chị Liên, chị và nhóm bạn không đi xe tự lái mà chọn thuê xe theo chặng. Nhóm khởi hành từ Hà Nội lúc 7 giờ sáng, đến bến phà Gót, Cát Bà tầm hơn 8 giờ 30, lúc này xe không đi theo nữa. Nhóm tiếp tục lên phà sang bên kia và có xe tăng bo khác đợi đón sẵn đưa vào đảo.
“Đi như vậy chúng tôi không mất thời gian đợi xe theo người, vì tắc nghẽn chủ yếu là do ôtô. Chặng về chúng tôi chọn đi cáp treo cho thêm trải nghiệm, cũng đi xe tăng bo từ đảo ra tới chân cáp treo, di chuyển trên không tầm 20 phút sang tới bến Cát Hải, tiếp tục có xe đợi sẵn đưa thẳng về Hà Nội. Với cách đi thuê xe theo chặng như vậy, chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho cả chiều đi và về, không phải chờ đợi mệt mỏi, dù chọn đi vào giữa ‘tâm bão’ du lịch nhưng vừa khỏe vừa vui,” chị Liên cho hay.
Một trong những kinh nghiệm đường bộ như vậy, còn với đường hàng không thì sao?
Check-in online giúp hành khách không phải đến sớm làm thủ tục tại sân bay (bỏ qua việc phải chờ đợi xếp hàng), vừa tiết kiệm thời gian vừa có thể chọn trước chỗ ngồi mong muốn... là gợi ý của những người làm du lịch.
Trong khi đó, về phía những đơn vị cung ứng dịch vụ, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định sau dịch, du khách có xu hướng tìm đến những trải nghiệm trầm tĩnh hơn, riêng tư hơn, giàu tính khám phá hơn. Do đó, các doanh nghiệp, điểm đến cần nắm rõ những xu hướng này để điều chỉnh cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để giảm gánh nặng quá tải du lịch, các chuyên gia cho rằng phải ưu tiên chất lượng hơn số lượng, thậm chí cần quy định số lượng khách tối đa tại các khu du lịch trọng điểm. Chính sách giá cũng cần hợp lý và linh hoạt hơn theo mùa thấp điểm và cao điểm.
Nếu điểm đến có dấu hiệu quá tải, thay vì quảng bá, cần tập trung vào khâu quản lý, nâng cao năng lực đón tiếp của nguồn nhân lực tại chỗ đồng thời gợi mở khách du lịch tới những nơi khác trong khu vực, thay vì chỉ tập trung ở một số chỗ.
Khi du khách chủ động tìm hiểu thông tin điểm đến để sắp đặt kỹ lưỡng trước chuyến đi, khi các đơn vị cung ứng dịch vụ và quản lý điểm đến có những chính sách phù hợp… mỗi hành trình sẽ thực sự là niềm vui và những trải nghiệm thú vị đáng nhớ, cho dù khách du lịch chọn lên đường vào mùa cao điểm./.