Để không tái diễn thảm họa Làng Nủ: Những giải pháp căn cơ cần tiến hành ngay

Sau thảm họa sạt lở ở thôn Làng Nủ, các nhà khoa học khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần chủ động rà soát các khe nứt trên sườn dốc và đoạn nghẽn dòng ở dọc các suối nhánh, dòng chảy...
Vết tích của trận lũ ống, lũ quét kéo dài từ đỉnh núi Voi xuống nơi hàng trăm con người Làng Nủ đang sinh sống bình yên, sáng 10/9. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Qua nghiên cứu thực tế và nhận diện nguyên nhân xảy ra thảm họa sạt lở vùi lấp thôn Làng Nủ (ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vừa qua, các nhà khoa học khuyến cáo các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, cần nhận diện sớm những nơi có vị trí tương tự; có cùng đặc điểm địa hình địa chất, thủy văn cũng như hình thái dòng chảy, để có cách phòng tránh an toàn hơn.

Theo đó, người dân và chính quyền địa phương cần chủ động rà soát các khe nứt trên sườn dốc; rà soát dọc các suối nhánh, dòng chảy để phát hiện sớm đoạn nghẽn dòng. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò của các cán bộ cơ sở thôn, bản, tổ, đội thanh niên xung kích phòng tránh thiên tai và cấp thiết di dời người dân ngay khi phát hiện có khe nứt.

Nhận diện nguy cơ trượt đất đá quy mô lớn

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Châu Lân (Trường Đại học Giao thông vận tải), cho biết nơi phát sinh trượt lở vùi lấp thôn Làng Nủ thuộc hệ tầng núi Con Voi. Ở đó đá bị ép phiến mạnh cắm dốc 40 - 50 độ. Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774 m, vùng ảnh hưởng dưới cùng có cao độ 160-200 m.

Căn cứ vào dữ liệu lượng mưa/giờ ngày 9/9 (57 mm/giờ) cho thấy việc trượt lở đất đá đã có thể xảy ra từ ngày 9/9. Nhưng dòng chảy của nó bị co hẹp lại ở cách điểm phát sinh trượt khoảng 2 km, tạo đập dâng tạm thời.

Sáng 10/9, lượng mưa tích lũy ở đây (vị trí đập tạm) đạt 633 mm (là mức rất cao, bằng 1/4 lượng mưa trung bình cả năm ở Lào Cai). Do áp lực của nước dâng lên nên đập tạm bị vỡ, lũ bùn đá tràn và lan rộng xuống phía dưới do địa hình phẳng bên dưới (thôn Làng Nủ) lúc 5 giờ sáng 10/9.

Theo tính toán, ở đỉnh núi Con Voi có lớp vỏ phong hóa dày tới 40m, nên vụ sạt lở tạo nên một vùng trượt lở khối lớn với thể tích lên đến 1,6 triệu m3.

Khảo sát thực tế ở thôn Làng Nủ và một số khu vực khác ở các tỉnh phía Bắc ngay sau thảm họa trên, Giáo sư Đỗ Minh Đức - Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh tất cả sông suối ở miền núi được hình thành do xâm thực đứng là chính. Cho nên một cách tự nhiên, nếu không bị chi phối bởi ảnh hưởng kiến tạo thì sông suối chảy theo chiều thẳng, tức là chảy từ trên xuống. Song cũng có những con suối uốn cong nhiều lần là do trong quá khứ có hiện tượng khối trượt lấp dòng chảy, khi dòng chảy hồi phục thì bắt buộc chảy vòng qua khối trượt lớn đó.

“Dấu hiệu rất dễ nhận dạng khu vực đã từng có khối trượt lở tạo nghẽn dòng là dòng suối đổi dòng liên tục. Ngay quanh khu vực Làng Nủ, khi lên đó khảo sát và nhận thấy có những thôn ở cạnh những dòng suối uốn quanh liên tục, chúng tôi đã khuyến cáo địa phương là trong kế hoạch tái định cư thì tính đến cả những thôn nằm trong vùng đất thấp mà cạnh những con suối có mức độ uốn cong đáng kể,” ông Đức nói.

Giáo sư Đỗ Minh Đức cũng bày tỏ lo ngại khi ở nhiều khu vực miền núi đã từng xảy ra hiện tượng trượt lở, thậm chí không chỉ một lần. Có một con suối đổi dòng đến 2 lần trong một đoạn rất ngắn cho thấy trong quá khứ có hai khối trượt lớn đã lấp hai lần dòng chảy ban đầu, nhưng do nhu cầu phát triển, do áp lực về tăng dân số và do thói quen canh tác, nên người dân vẫn sống ở gần khu vực đó.

Ngoài ra, việc người dân định cư trên địa hình dạng nón phóng vật (một thuật ngữ địa chất, là dạng địa hình bồi tụ, thường nằm dưới chân sườn núi, đồi có hình nửa cái nón, vật liệu ở đỉnh thô, càng xuống dưới chân vật liệu càng nhỏ) cũng tạo nên yếu tố tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hiểm họa rất lớn.

Sạt lở đồi ở xã Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Hiện tại có nhiều nơi tuy chưa vấn đề gì nhưng không loại trừ sẽ gặp thảm họa tương tự Làng Nủ. Người Nhật có một câu ngạn ngữ rất sâu sắc về thiên tai, đó là ‘thảm họa đến khi nó đã bị lãng quên.’ Đúc kết này rất đúng với thực trạng nhiều nơi hiện nay ở miền núi Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh vùng núi khu vực phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang,” ông Đức chia sẻ.

Di dời dân ngay khi xuất hiện khe nứt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Giáo sư Đỗ Minh Đức - Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần chủ động rà soát dọc các suối nhánh, dòng chảy phát hiện đoạn nghẽn dòng. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò của các cán bộ cơ sở thôn, bản, tổ, đội thanh niên xung kích phòng tránh thiên tai.

“Khi xảy ra mưa lớn thì địa phương cần thành lập những tổ, đội chủ động đi rà soát để phát hiện những dòng chảy tạm thời, dòng chảy liên tục. Nếu thấy cây cối hoặc đất đá lấp các dòng chảy đó thì khẩn trương khơi thông,” ông Đức chia sẻ.

Ông Đức cũng lưu ý trước khi xảy ra khối trượt lớn, bằng mắt thường khó phát hiện dấu hiệu sắp có trượt lở. Thay vào đó, dấu hiệu tiên quyết dẫn tới sạt lở là khe nứt tách trên sườn dốc, nên cần thường xuyên rà soát thủ công, dùng flycam để rà soát.

“Một điểm cần lưu ý là trong quá trình canh tác, người dân có thể xóa nhòa dấu vết của khe nứt. Nhưng cần nhớ một khi đã xuất hiện khe nứt, mái dốc sẽ không thể tự liền lại được và nguy cơ trượt lở luôn tiềm ẩn. Khi đã xuất hiện vết nứt - nghĩa là xuất hiện nguy cơ trượt lở, bắt buộc phải có giải pháp thì mới an toàn cho người dân. Nếu không​ có giải pháp công trình (phòng chống trượt lở) thì phải có giải pháp di chuyển người dân trong vùng ảnh hưởng tới nơi an toàn hơn,” ông Đức nói.

Ngoài ra, ông Đức cũng nêu thực trạng trong quá trình sản xuất của người dân, đặc biệt là việc trồng cây keo lai ở vùng đất dốc, có liên quan mật thiết tới việc hình thành các khối trượt lớn (đặc biệt là ở khu vực miền Trung).

Vì thế, trong mùa mưa bão, người dân cần đề phòng có trượt lở ở khu vực các mái dốc rừng sản xuất đã qua một vài lần khai thác, đặc biệt là nơi trồng keo lai. Các khu vực bên cạnh taluy đường giao thông, nhà ở, hoặc nơi có hoạt động trên mái dốc như xây dựng công trình, tháp viễn thông, đường dây tải điện cũng cần phải lưu ý.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Châu Lân cũng lưu ý hiện nay ở nhiều tỉnh đang có tình trạng sạt trượt nhiều. Do vậy việc quan trọng là cần phải nhận diện sớm dấu hiệu sạt lở và khắc phục ngay bằng các giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.

Đối với giải pháp công trình, ông Lân cho biết Việt Nam đang có dự án làm đập sabo (tiếng Nhật) do Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ. Đây là đập ẩn để chắn giữ đá lại, còn nước chảy qua. Đập này đang được thi công ở bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ngoài ra, ở Việt Nam cũng đã sử dụng lưới thép cường độ cao có thể giữ được đá lại và đã được thi công ở tỉnh Quảng Trị.

“Còn giải pháp phi công trình, bên cạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, hiện Nhà nước cũng đang lập các bản đồ cảnh báo, làm quy hoạch, tìm vị trí thuận lợi để di tản người dân,” ông Lân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục