Trang mạng eastasiaforum.org mới đây có bài phân tích về việc hiện thực hóa mạng Mạng lưới thành phố thông minh của ASEAN. Nội dung như sau:
Đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra những thách thức cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) do việc gây quá tải cơ sở hạ tầng, gia tăng sự bất bình đẳng và làm tổn hại đến sự an toàn công cộng.
Nếu ASEAN muốn vượt qua những trở ngại này, họ cần sử dụng nhiều công nghệ hơn. Mặc dù Mạng lưới thành phố thông minh của ASEAN (ASCN), với 26 thành phố thí điểm, là một hướng đi đúng đắn, song vẫn cần chú ý đến một vài thiếu sót trong kế hoạch này.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra trên khắp ASEAN khi mà dự kiến sẽ có thêm 90 triệu người chuyển đến sinh sống ở các thành phố trên toàn khu vực vào năm 2030.
Người ta cho rằng hầu hết sự tăng trưởng này sẽ tập trung ở các thành phố tầm trung với dân số từ 200.000 đến 2 triệu người. Những thành phố này dự kiến sẽ thúc đẩy 40% mức tăng trưởng của khu vực.
Khi đó, điều quan trọng là phải áp dụng các công nghệ “thông minh” để giải quyết những thách thức ngày càng nhiều từ việc phát triển đô thị, bao gồm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm và cơ sở hạ tầng bị quá tải.
Việc thành lập ASCN, một sáng kiến của Singapore khi nước này là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018, giúp các thành viên tổ chức này có nhiều thời gian áp dụng một cơ chế cấp thành phố để đạt được các bước thiết lập đô thị thế hệ tiếp theo.
Khuôn khổ ASCN được phát triển như một sự chỉ dẫn không ràng buộc để tạo điều kiện cho sự phát triển thành phố thông minh ở mỗi thành phố thuộc ASCN.
Khuôn khổ này bao gồm 3 mục tiêu chiến lược: nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao hơn.
[Nền kinh tế số ASEAN: Phát triển, mâu thuẫn và biến động]
Những thành phố thông minh giúp các nền kinh tế trở nên cạnh tranh bằng cách tận dụng sự đổi mới và bên trung gian trong hoạt động kinh doanh, giúp tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm.
Chúng cũng thúc đẩy môi trường bền vững bằng cách sử dụng công nghệ và năng lượng xanh bền vững. Các thành phố thông minh cũng giúp tăng phúc lợi cho người dân bằng việc áp dụng các giải pháp sáng tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục và dịch vụ y tế.
ASCN cho phép ASEAN tận dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị.
Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã thiết lập Tầm nhìn thành phố thông minh Phuket, nhằm mục đích thúc đẩy ngành du lịch sử dụng các phân tích dữ liệu lớn.
Trong đó, dự án Nền tảng dữ liệu thành phố đã được sử dụng để nhận biết hành vi của khách du lịch ở Phuket được thu thập từ mạng Wifi, Internet và các phương tiện truyền thông xã hội.
Dữ liệu được thu thập tại các địa điểm phổ biến mà khách du lịch ghé thăm khi họ kết nối với Wifi cũng được sử dụng để đảm bảo sự an toàn cho họ.
Các sáng kiến thành phố thông minh cũng thúc đẩy sự thịnh vượng của cư dân. Makassar, thành phố lớn thứ năm Indonesia, đã khởi xướng Kế hoạch thành phố thông minh vào năm 2014, với một chương trình thành công là dịch vụ y tế di động Dottoro’ta.
Các dịch vụ của chương trình này bao gồm chẩn đoán, chăm sóc khẩn cấp và chăm sóc theo dõi.
Philippines đã phải vật lộn để thích ứng với sự gián đoạn kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc thành lập Trung tâm an ninh và an toàn công cộng (PSSCC) ở thành phố Davao, vốn nhằm mục đích hỗ trợ cho an ninh của thành phố bằng việc sử dụng công nghệ mới, là điều rất đáng được hoan nghênh.
Các hệ thống giám sát bằng camera tập trung và các hệ thống thông tin địa lý của PSSCC được thiết lập để phân tích thông tin không gian và xử lý dữ liệu bản đồ để bổ sung một cách hiệu quả các tầng lớp bảo vệ cho thành phố.
ASCN cũng gia tăng tính hiệu quả của các dịch vụ sáng tạo. Sáng kiến quốc gia thông minh của Singapore cung cấp một cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử quốc gia có thể truy cập và không hạn chế để tạo điều kiện cho các giao dịch kỹ thuật số được vận hành một cách trơn tru.
Ngành ngân hàng Singapore cũng đã ra mắt dịch vụ chuyển khoản nhanh và an toàn (FAST) vào năm 2014, giúp các giao dịch chuyển tiền giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể được thực hiện thông qua các ngân hàng khác nhau.
Những cơ hội như vậy chỉ được tận dụng nếu những thách thức trong việc thực hiện các sáng kiến thành phố thông minh được khắc phục, và trên thực tế, sự phân chia kỹ thuật số ở ASEAN vẫn còn khá lớn.
Trong khi Singapore là nước có Chỉ số áp dụng kỹ thuật số tốt nhất năm 2016, thì những nước khác trong ASEAN lại xếp sau ở một khoảng cách khá xa, cụ thể Malaysia xếp thứ 41, Brunei thứ 58, Thái Lan thứ 61, Việt Nam thứ 91… và cuối cùng là Myanmar ở thứ 160.
Việc tiêu tốn khoản chi phí lớn để kết nối Internet tốc độ cao cũng đang cản trở tiến trình này. Trong khi ở Singapore, chi phí cho một megabit Internet tốc độ cao/ tháng chỉ là 0,05 USD, thì ở Thái Lan phải tốn đến 0,42 USD, Indonesia là 1,39 USD, Việt Nam là 2,41 USD và Malaysia là 3,16 USD. Sự phân chia kỹ thuật số chính là rào cản lớn nhất cần phải được giải quyết.
Một nền tảng năng lực kỹ thuật số không đủ mạnh cũng có thể kìm hãm sự phát triển của ASEAN. Mặc dù các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm đến 99% tổng số doanh nghiệp của ASEAN, tuy nhiên, có đến 45% số SME đó đang thiếu sự hiểu biết về công nghệ kỹ thuật số.
Thiếu lòng tin và nhận thức của người tiêu dùng thấp cũng cản trở sự phát triển của các dịch vụ kĩ thuật số. Khoảng 89% người dân Malaysia và 79% người dân Indonesia bày tỏ sự lo ngại về việc chia sẻ thông tin cá nhân của họ trên mạng trực tuyến.
Chính phủ các nước ASEAN cần thực hiện ASCN một cách hiệu quả hơn. Một hệ thống phối hợp như Văn phòng Chính phủ ứng dụng kỹ thuật số và Quốc gia thông minh của Singapore, vốn được thành lập để phát triển các chiến lược kỹ thuật số thông qua các cơ quan, là một hệ thống hiệu quả để thiết kế các lộ trình kỹ thuật số.
Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố kìm hãm sự phát triển của tiến trình hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân đầy áp chế của Malaysia hồi năm 2010, được thi hành vào năm 2013, buộc người dùng phải xin phép chính quyền trước khi chuyển dữ liệu cá nhân ra khỏi Malaysia.
Các chính phủ đơn lẻ không thể tự xây dựng thành phố thông minh một mình và việc hợp tác với khu vực tư nhân là điều rất quan trọng, giúp tạo ra giá trị tốt hơn về tài chính, lập kế hoạch và chuyên môn kỹ thuật.
Thành phố thông minh Chonburi Amata của Thái Lan và Liên minh giải pháp đô thị Yokohama của Nhật Bản vừa qua đã ký kết một thỏa ước hợp đồng cho một hệ thống quản lý năng lượng thông minh, giúp thành phố thông minh có thể tự thiết lập dự án lưới điện thông minh của riêng mình.
Do đó, nhiều mối quan hệ đối tác và hỗ trợ bên ngoài sẽ mang lại khả năng hoạt động tốt hơn.
ASCN là công cụ mang các thành phố thông minh của ASEAN xích lại gần nhau. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các cơ hội đòi hỏi phải có các kế hoạch hành động hiệu quả hơn nhằm chấm dứt sự phân chia kỹ thuật số trong khu vực, củng cố lòng tin của công chúng về số hóa, điều phối các cơ quan chính phủ và hợp tác với khu vực tư nhân cũng như các đối tác bên ngoài./.