Để giáo dục, văn hóa là nền tảng đưa đất nước phát triển toàn diện

Nhiều đại biểu cho rằng để đất nước phát triển nhanh và bền vững, giáo dục và văn hóa là hai yếu tố nền tảng vô cùng quan trọng cần được Chính phủ quan tâm, đầu tư đúng mức trong thời gian tới...
Để giáo dục, văn hóa là nền tảng đưa đất nước phát triển toàn diện ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 29/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng nhiệm kỳ qua, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã chứng minh cho nhân dân cả nước thấy một bộ máy điều hành đầy bản lĩnh, vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát, quản lý, phát triển kinh tế-xã hội với tầm nhìn dài hạn, bền vững.

Nhiều đại biểu cho rằng để đất nước phát triển nhanh và bền vững, giáo dục và văn hóa là hai yếu tố nền tảng vô cùng quan trọng cần được Chính phủ quan tâm, đầu tư đúng mức trong thời gian tới...

Đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) phân tích, một trong những vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm là chương trình giáo dục.

Sự cố xã hội hóa sách giáo khoa trong năm vừa qua là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm trong việc này còn chưa rõ ràng, minh bạch, gần đây, dư luận lại tiếp tục bức xúc, lo lắng về những vấn đề liên quan đến chính sách dành cho giáo viên; sự hợp nhất không rõ ràng của hai bộ sách giáo khoa, nhập nhằng trong giá sách...

[Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' tăng chất lượng nhân sự nhiệm kỳ tới]

Những việc này đã khiến không ít giáo viên, phụ huynh, học sinh tâm tư trăn trở trong thời gian qua.

Đại biểu tỉnh Phú Yên khẳng định người dân lo lắng và chờ đợi một phương hướng xử lý mạch lạc, thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu sự tác động về các quy định liên quan của ngành giáo dục.

Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng trả lời nhưng nói phải đi đôi với làm, chứ đừng để cử tri chờ quá lâu, miệt mài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, đại biểu nêu vấn đề.

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, mỗi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khi được ban hành phải mang được hơi thở cuộc sống, đồng thời cũng cần phải có sức nặng của kỷ cương, phép nước, kỷ luật quốc gia; đừng xem trách nhiệm là trái bóng và xử lý trách nhiệm như một trận đấu bóng không hồi kết.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới phải thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện về nhận thức xã hội, hành vi con người với môi trường bên ngoài.

Thời điểm này, giáo dục và đào tạo cần phải giữ vững vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong việc xây dựng kiến tạo xã hội để có thể vượt qua những thách thức và biến động lớn lao.

Giáo dục không chỉ truyền tải kiến thức, hướng đến việc rèn luyện cho học sinh, sinh viên có khả năng thích ứng linh hoạt, kỹ năng thuần thục, mà còn kích hoạt năng lực phối kết hợp, nâng cao ý thức tự giác và nghĩa vụ giữa cá nhân với xã hội.

"Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo, khai phóng sức mạnh nội lực của con người," đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đồng thời khẳng định, không có sự tiến bộ và thành công của một quốc gia nào mà có thể tách rời khỏi sự phát triển của giáo dục.

Để giáo dục, văn hóa là nền tảng đưa đất nước phát triển toàn diện ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Phương Lan phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo đại biểu, giáo dục không chỉ làm thay đổi cơ bản phương hướng phát triển của nền văn minh nhân loại mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội. Giáo dục mang lại kiến thức, quan điểm, kỹ năng, giúp người nghèo nâng cao kỹ năng lao động, tăng năng suất lao động...

Để nâng cao chất lượng giáo dục, theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục vì đổi mới phát triển giáo dục là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải thận trọng, bền bỉ.

Người dân cả nước rất mong chờ Việt Nam sẽ có một hệ thống giáo dục được xây dựng trên nền tảng vững chắc, có chiều sâu và đa ứng dụng.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền mong muốn Chính phủ và các nhà quản lý, điều hành lĩnh vực này giải quyết triệt để tình trạng độc quyền, cơ chế xin cho; sử dụng sức mạnh của những bộ óc thông tuệ để có được nhiều quyết sách đúng đắn, phù hợp; tuyệt đối không chọn cách làm đối phó vì né tránh trách nhiệm mà bỏ qua cảm xúc của người học, người dạy...

Để văn hóa thực sự là nguồn lực, bệ phóng đưa đất nước phát triển toàn diện

Phân tích về vấn đề văn hóa, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, những thành tựu to lớn của đất nước thời gian qua, có vai trò, bản lĩnh, sức mạnh to lớn của văn hóa Việt Nam.

UNESCO từng khẳng định nước nào để mục tiêu phát triển kinh tế, tách rời ra khỏi môi trường văn hóa, nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế, văn hóa; tiềm năng sáng tạo của dân tộc đó sẽ suy yếu dần.

Đại biểu tỉnh Quảng Ngãi khẳng định văn hóa vừa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam là quốc gia với 54 thành phần dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc đều mang một nét văn hóa bản sắc riêng và ấn tượng, sự khác biệt này đã góp phần tạo nên nét đẹp rất đa dạng, phong phú, đặc sắc cho nền văn hóa của dân tộc.

Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, theo đại biểu, cần có sự đầu tư đúng mức cho văn hóa, những yếu tố gắn liền đảm bảo các quyền của người dân tộc thiểu số.

Nhìn lại thành công cũng như hạn chế còn tồn tại của nhiệm kỳ Chính phủ, một trong những vấn đề mà đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trăn trở đó là làm thế nào để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực, bệ phóng đưa đất nước phát triển toàn diện.

Đại biểu phân tích, những năm qua, nền tảng văn hóa xã hội ở nước ta vẫn chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Để giáo dục, văn hóa là nền tảng đưa đất nước phát triển toàn diện ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa, từ cơ chế chính sách đến các chương trình mục tiêu, nhưng thực tế cho thấy, đạo đức văn hóa vẫn đang xuống cấp và điều này diễn ra ở mọi lĩnh vực, ngay cả trong những môi trường tưởng như văn hóa nhất.

Quốc hội khóa XIV đã thực hiện giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em, kết quả khiến người dân cả nước không khỏi giật mình, nhưng ngay sau đó, tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra với những sự việc gây đau lòng, phẫn nộ trong nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu vấn đề các vụ án đang được đưa ra xét xử, trong đó có những đại án mà người vi phạm pháp luật đang giữ các chức vụ lớn. Họ phạm tội không phải vì thiếu hiểu biết mà ngược lại, rất am hiểu luật pháp nhưng bị mối lợi vật chất làm mờ mắt, cố tình trà đạp lên tất cả để thu lợi bất chính cho cá nhân.

Theo đại biểu, dư luận xã hội đồng tình với việc xử lý nghiêm minh các trường hợp tham ô, tham nhũng, nhưng cũng rất đau xót khi niềm tin của nhân dân bị một số cán bộ biến chất làm xói mòn, lung lay và hậu quả của tình trạng này còn lớn hơn nhiều so với những thiệt hại về kinh tế.

Đại biểu cho rằng trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ đã nêu rất rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó yếu tố quyết định chính là con người.

"Chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và toàn diện, có những chế tài xử lý quyết liệt, nhưng nếu thiếu đi ý thức tự giác pháp luật và nền tảng văn hóa, những vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra nhiều," đại biểu nhấn mạnh.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, trong một thời gian khá dài, dường như việc đào tạo văn hóa trong các trường đại học, cao đẳng khối ngành học, khoa học xã hội và nhân văn ít được coi trọng. Theo đại biểu, ở các trường đại học, ngành văn hóa tuyển sinh chật vật hơn nhiều so với khối ngành kinh tế.

Cho rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, giữ gìn và phát triển nền văn hóa nhưng dường như vẫn thiếu giải pháp trọng tâm nền tảng, các đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt hơn nữa để phát triển văn hóa một cách toàn diện.

Theo nhiều đại biểu, trong những lúc nguy nan nhất khi Việt Nam và toàn thế giới đối mặt với đại dịch COVID- 19, cứu cánh hữu hiệu cho con người lại chính là văn hóa. Đó chính là sự tương thân tương ái, tinh thần đùm bọc, sẻ chia tình đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào để tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, huy động được nguồn lực tài chính, vật chất quan trọng để giúp toàn dân vượt qua được những tình huống khó khăn nhất.

Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định Việt Nam đã có truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời, được duy trì, giữ gìn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính vì vậy, việc bồi đắp, phát huy văn hóa là việc làm cần được chú trọng trong mọi lúc, mọi nơi mà không có điểm dừng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục