Để du lịch Nghệ An phát triển bền vững: Làm mới sản phẩm

Trong chiến lược phục hồi và phát triển du lịch, Nghệ An xác định tập trung vào thu hút khách nội địa và điểm đến khai thác sẽ là các huyện miền Tây của tỉnh.
Để du lịch Nghệ An phát triển bền vững: Làm mới sản phẩm ảnh 1Bản làng của dân tộc Thái định cư trong rừng Pù Mát. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Với những đặc trưng về tự nhiên, văn hóa, xã hội và con người phong phú và độc đáo, miền Tây Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch mạo hiểm.

Để khôi phục hoạt động du lịch sau thời gian dài chống chọi với dịch COVID-19, các huyện miền Tây Nghệ An đã và đang nỗ lực để phát triển du lịch địa phương, đầu tư phát triển các khu du lịch trọng điểm thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ

Mặc dù hình dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch nhưng nhiều điểm đến ở miền Tây Nghệ An lại dành thời gian, cơ hội đó để nâng cấp, cải thiện, tìm kiếm các dự án đầu tư, khôi phục, khai mở ra điểm đến mới, không ngừng chuẩn bị cho sự trở lại của du lịch.

Thời gian qua, Homestay Lâm Khang, huyện Quế Phong đã chỉnh trang, nâng cấp và làm mới cơ sở vật chất, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan, điểm check in, khảo sát, học hỏi thêm các nơi. Đến đầu năm 2022, điểm nghỉ dưỡng này đã thường xuyên đón các lượt khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, trải nghiệm.

Bà Lang Thị Kim, Giám đốc Homestay Lâm Khang, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong cho biết: "Có hẹn với Lâm Khang" - Chương trình một ngày đêm về với bản làng vừa là một chương trình trải nghiệm thú vị về cảnh sắc, con người và văn hóa của dân tộc Thái. Tham gia trải nghiệm, du khách sẽ được cùng ăn, cùng ở với người dân tộc Thái thông qua các hoạt động uống rượu cần, nhảy sạp, đốt lửa trại, bắt cá, mò ốc, leo đồi hái rau rừng... và nhiều dịch vụ thú vị khác. Nhờ được hướng dẫn và tự học hỏi, đến nay, chúng tôi đã tự tin đón du khách.

Với Khu du lịch sinh thái Phà Lài ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, từ đầu năm đến nay, điểm du lịch này đã đón, phục vụ một số đoàn khách đến chèo thuyền khám phá vẻ đẹp sông Giăng, đại ngàn Pù Mát; lên tận đầu nguồn trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Đan Lai.

[Để du lịch Nghệ An phát triển bền vững: Nâng chất lượng nguồn nhân lực]

"Ngay khi có chủ trương mở cửa trở lại, Khu du lịch sinh thái Phà Lài đã chuẩn bị cơ sở vật chất, về nhân sự và các gói dịch vụ sản phẩm mới để phục vụ cho du khách. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn dịch COVID-19, Khu du lịch sinh thái Phà Lài còn chuẩn bị các phương án khi tiếp đón các đoàn khách, nếu có người mắc COVID-19 sẽ bố trí phòng riêng, chỗ ở đảm bảo, an toàn để du khách yên tâm khi đến với Phà Lài," bà Vi Thị Thắm, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Phà Lài chia sẻ.

Ngoài Phà Lài, du khách còn có thể khám phá thêm các điểm đến khác ở Con Cuông như thác Khe Kèm, suối Mọc hay Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây đều là những điểm du lịch đậm chất thiên nhiên xanh mát, yên bình, giúp du khách có chuyến đi vui vẻ, ý nghĩa. Cùng với đó, 4 bản làng xây dựng theo mô hình du lịch cộng đồng gồm bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn) và bản Nà Pha (xã Yên Khê). Khi đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về văn hóa, lối sống sinh hoạt của người dân các đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại huyện Tương Dương, khu rừng săng lẻ nguyên sinh được đánh giá đẹp nhất Đông Dương, bước đầu đã được xây dựng điểm dừng nghỉ với khu nhà giới thiệu sản phẩm truyền thống, điểm ngắm cảnh, check-in và tuyến đường đi bộ leo núi khám phá nếu du khách có nhu cầu.

Nhiều tour, tuyến du lịch mới

Làm mới, xây dựng mới một số sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng thị hiếu khách trong trạng thái bình thường mới đang là mục tiêu, hướng đi của ngành Du lịch Nghệ An. Trong chiến lược phục hồi và phát triển du lịch, Nghệ An xác định tập trung vào thu hút khách nội địa và điểm đến khai thác sẽ là các huyện miền Tây. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón khách tham quan, trải nghiệm.

Nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn như "Chèo thuyền Kayak - đi bộ, leo núi-đạp xe đạp địa hình ở đập Phà Lài huyện Con Cuông" và "Khám phá đỉnh Puxailaileng ở huyện Kỳ Sơn" sẽ được đưa vào khai thác. Cùng với đó hoàn thiện các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái do Quỹ Môi trường toàn cầu (Dự án GEF) hỗ trợ tại Con Cuông, Tương Dương như rừng săng lẻ, Vườn Quốc gia Pù Mát... để phục vụ nhu cầu của khách du lịch và các sản phẩm du lịch trải nghiệm các vườn hoa tại các huyện miền Tây.

Hội tụ những điều kiện "cần" và "có," miền Tây Nghệ An còn rất phù hợp với loại hình du lịch caravan-nhu cầu du lịch "hot trend" hiện nay của nhiều du khách. Những khu, điểm và sản phẩm du lịch mới được xây dựng ở miền Tây Nghệ An đã bắt đầu hút khách như sản phẩm Khám phá đỉnh Puxailaileng và Mường Lống, huyện Kỳ Sơn.

Ở đây ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị Quân đội và lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn trong việc đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ khách du lịch. Nhờ vậy, dù ở xa nhưng vẫn nhiều du khách đến với vùng biên cương.

Để du lịch Nghệ An phát triển bền vững: Làm mới sản phẩm ảnh 2Các thành viên đoàn công tác của Sở Du lịch chụp ảnh tại "cổng trời" Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. (Nguồn: baonghean.vn)

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn cho biết: "Ngay từ khi có chủ trương mở cửa hoạt động du lịch, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã đẩy mạnh công tác phối hợp, tạo điều kiện đón tiếp và phục vụ du khách. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển ở các xã Na Ngoi, Mường Lống và Mỹ Lý."

Tại Hội nghị kích cầu du lịch Nghệ An vừa được tổ chức vào cuối tháng Hai vừa qua, tỉnh đã công bố tour caravan "Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An."

Tùy vào nhu cầu của du khách cũng có thể trải nghiệm tour caravan "Khám phá về miền Tây Nghệ An" với chương trình tour trong 3 ngày 2 đêm, 4 ngày 3 đêm, 5 ngày 4 đêm và 6 ngày 5 đêm.

"Qua hành trình 6 ngày 5 đêm, tôi rất ấn tượng bởi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, hùng vĩ vùng Tây Nghệ An đã mang lại những trải nghiệm phong phú, thú vị như: Vãn cảnh, check-in, thưởng thức đặc sản, ẩm thực, trải nghiệm các hoạt động văn hóa cùng người dân địa phương. Tôi cho rằng cần phát triển du lịch xanh, đây là một trong những hướng đi nhằm phát huy lợi thế tiềm năng du lịch của vùng cao miền Tây và cũng biến cái bất lợi (theo tư duy cũ) về địa hình, khí hậu, và các yếu tố khác thành lợi thế khác biệt," ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia, để phát triển tiềm năng du lịch miền Tây Nghệ An, ngành Du lịch cùng 5 huyện cần xác định các điểm du lịch tiềm năng, từ đó có kế hoạch xây dựng hạ tầng, như đường, điện vào các thác, các hang động; đường leo núi ở một số điểm ở Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn, đường vào các di tích, cây di sản; định điểm khu vực cho phép tổ chức picnic, cắm trại… Đồng thời, lồng ghép chương trình đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia vào đầu tư hạ tầng và phát triển du lịch; kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng du lịch (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi) để thu hút du khách.

Tỉnh cũng cần hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở vùng được chọn điểm du lịch. Từ đó kết nối với các doanh nghiệp du lịch khác trong và ngoài tỉnh trong việc xây dựng các gói sản phẩm du lịch khác biệt và độc đáo (Du lịch kết nối Việt Lào Thái, Du lịch phượt chinh phục đỉnh Puxailaileng, du lịch chèo thuyền vượt thác, Lễ hội Hoa Anh đào, Lễ hội Phong lá đỏ...).

Các huyện miền Tây nên chọn cây, hoa đặc trưng trồng để tạo cảnh quan ở các tuyến đường, phố huyện, khu xây dựng Farmstay, Homestay, khu picnic với một sắc thái riêng; gắn chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" kết hợp chế biến tại chỗ với du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc sở Du lịch Nghệ An nhấn mạnh Nghệ An sẽ phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bảo tồn và phát huy bản sắc bản địa, tăng thêm sự trải nghiệm cho du khách như hoạt động nông nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó, tỉnh đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ du khách thông qua các doanh nghiệp du lịch đưa khách về với vùng cao miền Tây để kích cầu.

Nhân rộng và hỗ trợ những mô hình doanh nghiệp, tổ chức du lịch tại miền Tây để đồng hành với địa phương cũng như cộng đồng trong việc phát triển sản phẩm, hoạt động du lịch và hỗ trợ truyền thông quảng bá, kết nối du lịch giữa khách hàng và địa phương du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục