Tây Nguyên với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi bật, nhưng để ổn định và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho gần 6 triệu đồng bào nơi đây, cùng với sự quan tâm của hệ thống chính trị, sự nỗ lực của bà con, cần có những giải pháp căn cơ cho các vấn đề về đất đai, phát triển nông lâm nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái... từ đó hóa giải những nguy cơ mất ổn định về an ninh trật tự.
Giải bài toán sinh kế cho người dân
Mỗi bước đổi mới, phát triển của Tây Nguyên hôm nay là sự chung tay, đồng lòng của Đảng, chính quyền và người dân. Mỗi mảnh đất, buôn làng, thành thị đều có những lợi thế và bản sắc riêng. Đắk Lắk với đồng bằng giữa miền cao nguyên đất đỏ Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê. Đà Lạt-Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch, vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất nước. Gia Lai với bạt ngàn hồ tiêu, cao su...
Những kết quả đó có được nhờ quá trình khai thác, phát triển dựa trên những tiềm năng nổi bật của Tây Nguyên về đất đai, khí hậu, tài nguyên... Tây Nguyên có 3,2 triệu ha đất rừng (chiếm 21% diện tích rừng cả nước), 1 triệu ha đất đỏ bazan, 1,8 triệu ha đất đỏ vàng, hệ sinh thái đa dạng, khí hậu điều hòa... Nơi đây có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời), giàu khoáng sản, là vùng sản xuất lớn các loại cây công nghiệp (cao su, càphê, hồ tiêu, chè, điều,...); có nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Tuy nhiên, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Điều này có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, đầu tư chưa tương xứng, chưa giải quyết được hết những vấn đề còn vướng mắc; việc tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; tính tự lực, tự cường chưa được phát huy mạnh mẽ.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Nơi đây vẫn là "vùng trũng," "rốn nghèo" của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 8%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; phát triển văn hóa, xã hội, y tế còn nhiều bất cập. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển...
[Để đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên mãi bình yên và phát triển]
Rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng kinh tế-xã hội Tây Nguyên cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về đất đai. Nơi đây, một bộ phận người dân còn thiếu đất sản xuất.
Tình trạng đất canh tác bị thu hẹp đang có xu hướng tăng do suy thoái chất lượng đất, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được sử dụng hiệu quả, xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm hoặc đầu cơ đất...
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, phá rừng làm rẫy, cũng như tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự. Gần đây nhất là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền, gây mất an ninh, trật tự đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Đắk Lắk.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các thế lực thù địch, số đối tượng Fulro lưu vong xúi giục, kích động qua không gian mạng và kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số với cớ đòi đất. Giải quyết vấn đề đất sản xuất không chỉ giải quyết bài toán sinh kế cho người dân ở Tây Nguyên, mà còn giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trật tự.
Ngăn ngừa những "mầm mống" bức xúc từ đất đai
Trong chiến tranh, đất bazan màu mỡ ngủ im lìm dưới những tán rừng, nhiều nơi bị bom đạn cày xé trơ trọc. Hòa bình lập lại, không chỉ người dân địa phương mà người dân từ các vùng, miền khác di cư về đây khai khẩn, sản xuất, đưa vùng đất này trở thành nơi cung ứng nông sản phong phú, dồi dào bậc nhất.
Tây Nguyên thực sự được đánh thức và đổi đời khi nhiều cây công nghiệp lên ngôi: Cao su, càphê, hồ tiêu... với giá trị xuất khẩu lớn, góp phần thay đổi bộ mặt Tây Nguyên cũng như các buôn làng vùng sâu, vùng xa.
Để ổn định sản xuất, đời sống cho hàng triệu đồng bào Tây Nguyên, ngoài sự quan tâm của hệ thống chính trị địa phương, sự nỗ lực của bà con, cần giải quyết đồng bộ các vấn đề về đất đai, rừng, môi trường...
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vùng Tây Nguyên hiện có gần 53.000 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích khoảng 24.000ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là nhiều nhất với khoảng 19.000 hộ, tỉnh Gia Lai xếp thứ 2 với khoảng 13.000 hộ.
Mục đích của việc cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là để giúp người dân có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương đang gặp khó khăn về quỹ đất sản xuất. Các nông, lâm trường, đơn vị, doanh nghiệp ở đây đang quản lý, sử dụng đất đai rộng lớn, nhưng hiệu quả lại thấp, trong khi đó người dân thiếu đất sản xuất. Công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đang gặp nhiều khó khăn.
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngành Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Tây Nguyên đều có chung quan điểm rằng, hiện nay nhu cầu về đất của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, trong khi quỹ đất tại các địa phương để bố trí cho người dân không nhiều, thậm chí không còn, đây là áp lực lớn đối với chính quyền các cấp. Một số tỉnh có chủ trương giãn dân ra khu vực đất của các nông, lâm trường chuyển giao, nhưng đến nay hầu như đều vướng, không thể lập phương án, quy hoạch sử dụng đất.
Trong đợt giám sát mới đây tại Tây Nguyên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã chỉ ra, các công ty nông, lâm nghiệp đang sở hữu quá nhiều đất nhưng hiệu quả sử dụng, đóng góp ngân sách là rất thấp. Có doanh nghiệp thuộc hàng tốt nhất tại Tây Nguyên, sử dụng hơn 40.000 ha đất sản xuất, nhưng nộp thuế đất chỉ hơn 1 tỷ đồng/năm. Với hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp ngân sách thấp như vậy nhưng lại được giao những diện tích đất rất lớn, trong khi người dân đang thiếu đất.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc giải quyết đất đai cho đồng bào còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Để thực hiện hiệu quả chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong những năm qua, cần có chính sách giao đất, hỗ trợ về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế từng vùng.
Đặc biệt, hiện nay Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành, tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì vậy, thời gian tới, trong thực hiện các chính sách dân tộc, cần quan tâm triển khai tốt chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào Tây Nguyên; quản lý diện tích đất đã được Nhà nước hỗ trợ cho người dân, tránh sau khi đất được hỗ trợ lại rao bán, tiếp tục trở thành người không có đất sản xuất.
Thời gian qua, hiện tượng "sốt đất", "cò đất" bủa vây các buôn làng với những chiêu trò thổi giá gây sốt ảo, dụ dỗ, lừa lọc người dân chuyển nhượng đất đai, dẫn đến không ít người dân bị trắng tay, phải làm thuê ngay chính trên ruộng nương vốn trước đây được Nhà nước giao. Hệ lụy nguy hiểm hơn là nguy cơ nông nghiệp vỡ thế trận ở vùng cao nguyên trù phú này, khi tư liệu sản xuất quý giá không được chú trọng khai thác mà lại bị lợi dụng để đầu cơ.
Đã có một thời gian, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đưa ra chính sách cấm chuyển nhượng đất ở và đất sản xuất, tình hình đã dịu xuống, nhưng vẫn còn đó nhiều nguy cơ. Do đó rất cần các chính sách đất đai đảm bảo tư liệu sản xuất cho đồng bào, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ đất, khắc phục tình trạng di canh, di cư, phá rừng làm nương rẫy...
Giải quyết căn cơ vấn đề đất nông, lâm nghiệp
Để Tây Nguyên phát triển, trong đó có nông, lâm nghiệp, điều quan trọng là phải giải quyết được những vấn đề căn cơ liên quan đến đất đai. Tình trạng tranh chấp đất đai ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nông thôn, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động gây rối.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn về quản lý đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên; cần quy định rõ việc quản lý rừng, đất rừng và việc chuyển đổi đối với những diện tích đất rừng không còn hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề đất đai ở Tây Nguyên, phải có cơ chế, chính sách giải quyết hài hòa giữa lâm nghiệp với nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phải khẳng định, nông nghiệp luôn là lĩnh vực rộng lớn và cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Tây Nguyên. Không chỉ là kinh tế-xã hội mà còn là chính trị, an ninh, quốc phòng. Nói cách khác, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là căn cơ, là thế mạnh để nâng cao đời sống người dân, phát triển Tây Nguyên một cách bền vững.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, những năm qua các tỉnh Tây Nguyên mặc dù thu ngân sách còn rất hạn chế, nhưng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Tỉnh luôn quan tâm, tìm giải pháp thay đổi phương thức, cách thức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo điều kiện cần thiết để đồng bào thiểu số tiếp cận đất đai, kỹ thuật, hình thành tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển, tuyên truyền vận động đồng bào thay đổi tư duy, khát vọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng. Để Tây Nguyên phát triển bền vững, đòi hỏi trách nhiệm của cộng đồng, sự giúp sức của Trung ương, các vùng, các tỉnh khác, với tinh thần "Tây Nguyên vì cả nước và cả nước vì Tây Nguyên."
Từ khi có Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về "phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng vùng Tây Nguyên", nguồn lực tập trung đầu tư vào địa bàn chiến lược này ngày càng cao, nhằm phát triển theo hướng bền vững. Tiếp đó, Bộ Chính trị Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm tạo cú huých để Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm, sự ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng đảm bảo ổn định và phát triển vùng Tây Nguyên và là cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vì vậy, phải có chính sách, giải pháp đúng đắn nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; coi trọng tính đặc thù, đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào khi giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể.
Bên cạnh đó, chúng ta cần khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo của người dân trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, nhất là cấp cơ sở thường xuyên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Bài 1: Củng cố vững chắc thế trận lòng dân ở Tây Nguyên
Bài 2: Đoàn kết giữa các dân tộc, hòa hợp giữa các tôn giáo
Bài 4: Nghị quyết 23 tạo bước đột phá