Là vùng đất huyền thoại với các sắc thái văn hóa phong phú và đa dạng, xứ sở của cồng chiêng, đàn T’rưng, của hàng trăm bộ sử thi như Đăm San, Khinh Dú, Ot N’rông… phản ánh trung thực đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những lý tưởng nhân văn cao cả, Tây Nguyên đang lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần vô giá.
Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên có truyền thống tín ngưỡng đa thần, tiêu biểu là các loại hình tín ngưỡng thờ thần (Yang), tín ngưỡng liên quan đến sản xuất, tín ngưỡng vòng đời người...
Lật tẩy mưu đồ đội lốt tôn giáo
Vùng Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của tất cả các tôn giáo đang hiện diện ở nước ta. Do nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, cộng theo các dòng chảy văn hóa, các di cư sau này của người dân từ các vùng miền, nơi đây có đầy đủ các dân tộc, tôn giáo mà không vùng nào trên cả nước có được.
Tôn giáo chủ yếu ở Tây Nguyên là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với khoảng 2,3 triệu người có đạo, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự. Trong đó, Công giáo là tôn giáo có mặt sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên và là tôn giáo có nhiều tín hữu nhất.
Khi phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các tổ chức tôn giáo như Tin Lành, Công giáo, Phật giáo với những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nhân bản, đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Mặt tích cực có thể thấy rõ là đồng bào đã bớt đi các hủ tục, như bớt uống rượu; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, gắn bó đoàn kết cộng đồng, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu.
Các tổ chức tôn giáo cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội; khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đồng bào tôn giáo trên địa bàn tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng đời sống mới, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội để Tây Nguyên phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, sinh hoạt tôn giáo thuần túy, hợp pháp, ở Tây Nguyên những năm qua cũng xuất hiện khá nhiều hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ,” “tà đạo,” gây không ít khó khăn cho công tác quản lý xã hội ở địa phương như Hà Mòn, Canh Tân đặc sủng, Amí Sara, Bơ Khắp Brâu, Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam, Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ…
[Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Sẽ sớm đưa ra xét xử các đối tượng phạm tội]
Các “tà đạo,” “đạo lạ” gia tăng tính chất, mở rộng phạm vi hoạt động, số lượng người tham gia; một số còn biến tướng, tách ra thành lập các “tà đạo” mới... làm rạn nứt cộng đồng truyền thống, xáo trộn đời sống đồng bào nơi đây.
Là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh-quốc phòng, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn quan tâm đến Tây Nguyên. Chúng thường lợi dụng niềm tin và nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào, các vấn đề dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, kích động tư tưởng cực đoan, ly khai, gia tăng mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo, gây mất ổn định chính trị ở cơ sở, đe dọa đến sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Điển hình trong số này phải kể đến tổ chức phản động đội lốt tôn giáo “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên (CHPC)” do đối tượng FULRO lưu vong cầm đầu, hậu thuẫn cho nhóm “Người Thượng vì công lý (MSFJ)” (thành lập năm 2019) để lôi kéo, kích động bà con tại các buôn làng trên địa bàn huyện Cư Kuin, huyện Krông Ana, tham gia biểu tình bạo loạn đòi yêu sách thành lập “Tin lành Đêga,” âm mưu thành lập nhà nước riêng trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên.
Thực thế thì sao? Tounéh Đen - từng là “tỉnh trưởng” Fulro, từng có 20 năm đi “xây dựng nước Đề Ga” khi trở về với buôn làng đã thú nhận: "Đó chỉ là một ảo tưởng sai lầm và ngu ngốc, là một sự bịp bợm của bọn phản động mê hoặc những khối óc u mê, mù quáng. Dù muộn màng nhưng tôi đã nhận ra mình lạc lối và trở về trong sự khoan hồng của chế độ và lòng nhân hậu của buôn làng. Bằng sức lực và khối óc, tôi đã tạo lập một cuộc sống hạnh phúc ngay trên chính quê hương, trên mảnh đất mà trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời tôi đã nghe lời kẻ xấu từ bỏ ra đi…”
Lời nói từ tâm can của Tounéh Đen như là một sự thức tỉnh đối với những ai đang mang trong mình những ảo tưởng sai lầm, đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các tôn giáo phẫn nộ trước hành động khủng bố, cực đoan
Có thể nhận thấy “tà đạo,” “đạo lạ” là tổ chức đội lốt tôn giáo, lợi dụng tôn giáo, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đi ngược lại tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy, thay đổi phong tục, tập quán sinh hoạt tâm linh; đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, đảo lộn thuần phong mỹ tục, gây chia rẽ, phân hóa sâu sắc cộng đồng, làm biến đổi tình cảm, niềm tin của đồng bào vào chính quyền địa phương và Đảng, Nhà nước.
Điều này lý giải vì sao hơn 48 năm thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, nhưng khu vực Tây Nguyên vẫn chưa được bình yên trọn vẹn. Nếu như năm 1991, chúng ta gần như phá rã hoàn toàn tổ chức phản động Fulro, đến năm 2000, nhóm Fulro lưu vong thành lập cái gọi là “Nhà nước Đềga tự trị” do Ksor Kơk đứng đầu, đã quay về gây rối ở Tây Nguyên vào tháng 4/2004. Vụ việc nhanh chóng bị dập tắt nhưng đã gây mất ổn định an ninh trật tự trong khu vực, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Trong vụ việc mới đây tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), các đối tượng thù địch lại tiếp tục sử dụng chiêu bài dân tộc, tôn giáo để rêu rao, trắng trợn xuyên tạc, vu khống, bóp méo bản chất sự việc, khoét sâu tư tưởng hận thù, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, gây mất ổn định an ninh trật tự. Chúng lu loa rằng, người Ê Đê theo đạo Tin Lành luôn bị sách nhiễu, bỏ tù, đánh đập. Chúng quy chụp vô căn cứ rằng: “sự đàn áp về tôn giáo và bần cùng hóa về đất đai đã đẩy người Thượng đến bước đường cùng”.
Thế nhưng, chính trong nhóm đối tượng gây rối ở Cư Kuin vừa qua, nhiều đối tượng thú nhận đã thực hiện hành vi sai trái là do bị các thế lực thù địch, đối tượng Fulro lưu vong xúi giục, kích động nhằm chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số, gây mất trật tự tại địa bàn và gây tiếng vang ở nước ngoài. Cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng xác định vụ việc không liên quan đến yếu tố tôn giáo.
Bộ Công an đánh giá, đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các đối tượng rất man rợ, mất nhân tính, thể hiện quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.
Trước hành vi dã man, cực đoan của nhóm người ở Đắk Lắk, các tôn giáo đều vô cùng phẫn nộ, phê phán, lên án, không cổ súy cho hành động này.
Thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo
Đến nay, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, đồng bào tôn giáo là người dân tộc thiểu số nói riêng, nhìn chung đều sống tốt đời, đẹp đạo. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng để có được sự ổn định này, cần sự góp sức từ hai phía: Cơ quan Nhà nước và người dân.
Về phía các cơ quan Nhà nước, tích cực tham mưu góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đồng bộ các quy định pháp luật về khai thác, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo.
Đồng thời, bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đảm bảo quyền tự do sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân, không có sự phân biệt dân tộc, tôn giáo; định hướng hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật…
Các cơ quan Nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo vì mục đích ngoài tôn giáo.
Về phía nhân dân, là lực lượng đông đảo, hùng hậu, đóng vai trò chính, là chủ thể đóng góp trí tuệ, tài lực, vật lực, đồng sức đồng lòng cùng Nhà nước để bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của chính mình. Trong từng lĩnh vực cụ thể, sự đóng góp của nhân dân có ý nghĩa quyết định làm nên thành công.
Qua vụ việc ở Đắk Lắk cho thấy nhân dân đã chung tay cùng lực lượng chức năng vây bắt tội phạm, trở thành hậu phương vững chắc khi đưa những hộp cơm nghĩa tình đến lực lượng bảo vệ chốt chặn và sẵn sàng sẻ chia, quyên góp, hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sỹ, người dân bị nạn trong vụ việc.
Trong lĩnh vực tôn giáo, các tổ chức tôn giáo bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, cụ thể hóa đường hướng hoạt động của giáo hội, tích cực hội nhập văn hóa, khuyến khích và thúc đẩy đồng bào có đạo phát triển kinh tế-xã hội. Các chức sắc, nhà tu hành gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; luôn trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm hạnh, là những tấm gương sáng trong tu học và hành đạo để đồng bào có đạo học tập noi theo.
Các chức sắc, nhà tu hành cũng chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn đồng bào thực hành đạo đức tôn giáo trong xây dựng cuộc sống, bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực phản động, thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Có thể thấy chiêu bài lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá là không mới, các thế lực thù địch vẫn luôn dùng thủ đoạn này. Về cơ bản, đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tin Đảng, tin Chính phủ, yên tâm lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.
Một số nhẹ dạ cả tin nghe theo lời xúi giục chỉ là rất nhỏ. Và thực tế, nhiều người sau gần chục năm theo “tà đạo,” “đạo lạ,” sống chui lủi trong rừng, đã nhận thấy mình sai đường, lạc bước, quyết tâm trở về chí thú làm ăn, tiếp tục cuộc sống bình yên bên gia đình, cộng đồng./.
Bài 1: Củng cố vững chắc thế trận lòng dân ở Tây Nguyên
Bài 3: Sinh kế bền vững, hóa giải nguy cơ