Cuộc đấu khẩu giữa hai gia tộc chính trị hàng đầu tại Philippines, Marcos và Duterte, đã trở nên căng thẳng khi đấu đá chính trị leo thang thành lời đe dọa ám sát.
Ngày 30/11, trong một video được đăng trên trang Facebook của mình, Phó Tổng thống Sara Duterte đã tuyên bố: “Đất nước này đang thành địa ngục vì chúng ta được lãnh đạo bởi một người không biết cách làm tổng thống và là kẻ nói dối. Đừng lo lắng về sự an toàn của tôi. Tôi đã nói chuyện với một người và tôi nói, nếu tôi bị giết, hãy giết Bongbong (Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.), Liza Araneta (đệ nhất phu nhân) và Martin Romualdez (Chủ tịch Hạ viện). Không đùa đâu. Không đùa đâu. Tôi đã nói, đừng dừng lại cho đến khi giết được họ và ông ấy đã đồng ý.”
Tiếp đó, đêm 2/12, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, cha của bà Sara, đã kêu gọi quân đội hành động theo diễn biến này, ám chỉ đến một cuộc đảo chính.
Chính quyền của Tổng thống Marcos sau đó lên tiếng chỉ trích phát ngôn của ông Duterte là "đáng kinh ngạc" và rằng "không có động cơ nào ích kỷ hơn việc kêu gọi lật đổ một tổng thống đương nhiệm để con gái mình có thể lên nắm quyền."
Tổng thống Marcos đồng thời cho biết những lời đe dọa không nên được coi nhẹ và ông sẽ ngăn chặn ý định kéo đất nước vào tình trạng "chính trị mờ ám".
Lý do mối quan hệ giữa Tổng thống và Phó Tổng thống Philippines trở nên tồi tệ
Mặc dù ông Marcos và bà Sara từng là đồng minh trong liên danh tranh cử năm 2022, mối quan hệ mong manh giữa hai gia tộc chính trị quyền lực Marcos-Duterte bắt đầu tan rã vào cuối năm 2023 khi bà Sara Duterte từ chức Bộ trưởng Giáo dục.
Kế hoạch áp dụng nghĩa vụ quân sự trong các trường học của bà đã thất bại, khiến bà mất đi phần lớn sức ảnh hưởng trên chính trường sau khi bà cũng không được giao chức Bộ trưởng Quốc phòng, chức vụ mà bà đã khao khát.
Tiếp đó, bà Sara lại vướng vào cáo buộc tham nhũng về việc chi 30 triệu USD trong "quỹ mật" được phân bổ cho bà với tư cách là Phó Tổng thống và Bộ trưởng Giáo dục. Các khoản tiền này có thể được các cơ quan chính phủ chi tiêu mà không cần giám sát chính thức.
Cuộc điều tra của cơ quan lập pháp cho thấy những dấu hiệu sai trái, tất cả đều bị bà Sara bác bỏ là "các cuộc tấn công chính trị."
Tiếp đó, vào tháng 10, bà Sara đe dọa sẽ khai quật mộ của cựu Tổng thống Ferdinand, cha ông Marcos, nhà độc tài từng cai trị Philppines từ năm 1965 đến năm 1986, và rải tro cốt xuống biển Tây Philippines.
Bà này cũng rất tức giận khi Chánh văn phòng Phó Tổng thống, người trước đó đã lên tiếng giải thích cách sử dụng số tiền đó, bị bắt giữ vào ngày 20/11. Sara đã lên tiếng chỉ trích cách đối xử với trợ lý cấp cao của mình và ngăn cản lệnh chuyển người này đến một cơ sở cải tạo dành cho phụ nữ.
Ngoài ra, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đang điều tra về "cuộc chiến chống ma túy" của ông Duterte có liên quan đến 30.000 trường hợp tử vong, trong đó có vai trò của “biệt đội tử thần” khi tiến hành nhiều giết người ngoài vòng pháp luật.
Trước đó, Tổng thống Marcos nói rằng ông sẽ không tuân thủ bất kỳ phán quyết nào từ ICC, mà ông cũng mô tả là mối đe dọa đối với chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên, vài ngày trước tuyên bố của bà Sara, chính quyền Tổng thống Marcos cho biết họ sẽ "hợp tác" với ICC nếu cựu Tổng thống Duterte muốn đầu hàng, tuyên bố rằng "chính quyền sẽ không phản đối (ông Duterte đầu hàng) cũng như không có động thái ngăn cản việc thực hiện mong muốn (của cựu Tổng thống)."
Lucas Bersamin, Thư ký điều hành và là thành viên cấp cao trong nội các của Tổng thống Marcos, lưu ý rằng nếu ICC đề nghị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) hỗ trợ bắt giữ ông Duterte, chính quyền Philippines sẽ "cảm thấy có nghĩa vụ" phải tôn trọng yêu cầu này.
Cục Điều tra Quốc gia Philippines, đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết các vụ án cấp cao, đã triệu tập bà Sara vào chiều 3/12, yêu cầu Phó Tổng thống giải thích về phát ngôn mang tính đe dọa với ông Marcos.
Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez, một đồng minh và là anh em họ của Tổng thống Marcos, đã yêu cầu bà Sara phải chịu trách nhiệm và mô tả những lời nói của bà là "tấn công" vào nền dân chủ.
Xung đột ảnh hưởng đến chính trường Philippines
Cuộc đấu đá nội bộ đã khiến các nhà lập pháp của Quốc hội và Thượng viện sao nhãng khỏi chương trình lập pháp và hoàn thiện ngân sách quốc gia cho năm 2025.
Cuộc xung đột có khả năng sẽ chi phối cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 5/2025 khi cả hai gia tộc đều tìm cách củng cố liên minh của họ tại hai viện quốc hội.
Theo trang mạng The Conversation, Tổng thống Marcos mới chỉ đi được nửa chặng đường trong nhiệm kỳ của mình khi cuộc bầu cử tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 5/2028.
Nhưng tình trạng công khai bất hòa giữa hai gia tộc chính trị quyền lực nhất Philippines không thể kéo dài cho đến lúc đó. Rất có thể sẽ xảy ra xung đột chính trị trực tiếp giữa hai gia tộc, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng bạo lực.
Trường hợp khác khó xảy ra hơn khi hai gia tộc có thể gác lại xung đột, đạt được một thỏa thuận, trong đó cho phép bà Sara ra tranh cử tổng thống mà không có sự phản đối của gia tộc Marcos./.