Đề Địa lý: Sỹ tử “trúng tủ" với vấn đề biển đảo Tổ quốc

Nhiều thí sinh đã hoàn thành tốt bài thi môn Địa lý vì đã ôn "trúng tủ" vấn đề biển đảo Tổ quốc, an ninh quốc phòng đang được người dân trong và ngoài nước hết sức quan tâm.
Đề Địa lý: Sỹ tử “trúng tủ" với vấn đề biển đảo Tổ quốc ảnh 1Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Kết thúc môn thi đầu tiên đầu tiên khối C của kỳ thi đại học đợt II, nhiều sỹ tử bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi vì đã “trúng tủ” và hoàn thành tốt bài thi. Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề Địa lý năm nay tập trung vào những vấn đề thời sự biển đảo và đánh bắt cá của ngư dân trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng đang được đông đảo người dân trong nước và quốc tế quan tâm đồng thời dạng đề này các sỹ tử cũng đã được thầy cô cho ôn luyện khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Dù có thời gian 180 phút để làm bài với 4 câu hỏi, nhưng rất nhiều thí sinh đã kết thúc bài thi và ra sớm tới gần 30 phút.

Em Nguyễn Gia Đạt, học sinh trường phổ thông Nam Trực (Nam Định) dự thi vào trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, đề Địa năm nay bám sát nội dung chương trình trong sách giáo khoa. Các câu hỏi tương đối “dễ thở” và thời gian đủ cho thí sinh hoàn thành trọn vẹn bài.

Theo Đạt, có hai câu hỏi rất hay và thú vị tập như câu hỏi về việc đánh bắt của ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng đang là vấn đề “nóng” thời gian qua.

“Riêng hai câu này, học sinh chúng em đều được thầy cô trong trường lưu ý ôn luyện kỹ càng để chủ động nắm chắc kiến thức cũng như kỹ năng phân tích về nội dung của vấn đề. Đặc biệt, thí sinh cũng phải thường xuyên cập nhật các thông tin thời sự qua các kênh thông tin hàng ngày thì việc làm bài sẽ đạt kết quả cao,” Đạt nói.

Bên cạnh đó, cậu học sinh người Nam Định này cũng nhìn nhận, các câu hỏi về việc làm, công nghiệp điện lực cũng là những vấn đề rất “nóng.” Đề giành được điểm cao, thí sinh cần có phương pháp phân tích tổng hợp xen lẫn với những dẫn chứng thực tế sẽ làm cho bài thi sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Riêng phần câu vẽ biểu đồ và phân tích của ngành lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, Đạt bảo, phần lớn các bạn thí sinh trong phòng đều làm khá tốt vì đã được ôn luyện kỹ càng cũng như tập dượt qua nhiều cuộc thi tốt nghiệp và thi thử vừa qua. Đây là câu hỏi giúp thí sinh tích lũy thêm điểm số.

Cùng chung niềm vui "trúng tủ" đề thi, Đỗ Chí Công (Hải Hậu, Nam Định), thí sinh dự thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Em cảm thấy tâm lý khá thoải mái khi kết thúc môn thi đầu tiên bởi chủ đề biển đảo tiếp tục được đặt ra trong đề thi môn Địa lý. Trước kỳ thi đại học, chúng em đã có một đợt tập dượt với dạng đề bài liên quan đến vấn đề biển đảo trong đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông.”

Thí sinh này chia sẻ, khi ôn thi, các thầy cô giáo cũng thường lưu ý về dạng đề bài này. Hơn nữa, những thông tin về vấn đề biển đảo thường xuyên được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng nên thí sinh có nhiều điều kiện để bổ sung kiến thức, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề thời sự hiện nay.

Công cho biết thêm, các câu hỏi, đặc biệt là phần liên quan đến biểu đồ, buộc thí sinh phải tổng hợp, vận dụng kiến thức đã học một cách linh hoạt.

“Nếu chỉ học vẹt thì sẽ không thể hoàn thành tốt bài thi,” thí sinh quê Nam Định chia sẻ.

Có cùng tâm trạng với Công, Nguyễn Thùy Linh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, đề thi năm nay vừa sức thí sinh. Đề thi không đánh đố thí sinh nhưng vẫn có sự phân loại thí sinh rõ nét. “Em nghĩ rằng mình có thể được từ 7 đến 8 điểm,” cô bạn bày tự tin bày tỏ.

Theo Linh, nội dung các câu hỏi dàn đều các mảng kiến thức đã học. Bên cạnh đó, phần liên hệ thực tế trong câu thứ nhất và yêu cầu nhận xét, giải thích về tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản ở câu số bốn buộc thí sinh phải có kiến thức thực tế, biết các tổng hợp thông tin trên cơ sở phân tích số liệu.

Bên cạnh đó, đề thi cũng có những câu hỏi để gỡ điểm cho thí sinh. “Với những câu hỏi này, em nghĩ, thí sinh chỉ cần nhớ chính xác kiến thức và có cách trình bày mạch lạc là có thể ghi điểm,” Linh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục