Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn

Dù vẫn còn nhiều gập ghềnh, con đường đất đỏ xuyên qua những nóc nhà, ăn vào đá núi đang dần hiện rõ. Con đường ấy sẽ đưa trẻ em đi học, đưa những thùng vải về đất liền và đem hy vọng tới nơi này.
Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 1Gian nan con đường đi đến với "con chữ" (Ảnh: CTV)

“Thế là mảnh đất này lại có hy vọng” - trưởng thôn Đồng Mậm đã thốt lên như thế trong cuộc đối thoại với chúng tôi chiều qua - khi cả đoàn chúng tôi đại diện những tấm lòng thiện nguyện từ muôn nơi mang theo số tiền ít ỏi 200 triệu đồng tới tiếp thêm sinh lực cho ước mơ về một con đường xuyên qua “ốc đảo” giữa hồ thủy điện Cẩm Sơn.

Đồng Mậm - ốc đảo" Không"

Cách Hà Nội chỉ khoảng 150km, giữa lòng hồ thủy điện Cấm Sơn là vùng đất bị cô lập Đồng Mậm (Sơn Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang). Công trình hồ thủy điện lớn nhất nhì miền Bắc này đã vô tình chia cắt xã Sơn Hải thành năm thôn nhỏ; trong đó, thôn Đồng Mậm thiệt thòi hơn cả khi bị cô lập từ mọi phía.

Ở Đồng Mậm, không có đường, không có điện, không có sóng truyền hình, hiếm hoi lắm mới bắt được sóng di động hoặc điện thoại bàn. Tại đây, Internet là thứ không tồn tại.

Từ bao lâu nay, mọi hoạt động liên lạc với bên ngoài của cư dân Đồng Mậm phải thực hiện qua đường sông, xuyên giữa lòng hồ Cấm Sơn rộng mênh mông. Hôm qua, đoàn chúng tôi phải mất hơn một giờ xuồng máy để đi tới Đồng Mậm. Nếu đi chèo tay - như phần lớn dân cư ở đây thường làm, bạn phải mất bốn tiếng.

Người Đồng Mậm gọi đây là mảnh đất không có hy vọng. Lời khuyên quen thuộc nhất mà những bậc cha mẹ dành cho con cái là “cố học đi rồi ra thành phố, đừng về đây.” Con trai Đồng Mậm có rất nhiều người chưa vợ. Nghèo quá, họ không lấy được ai.

Mùa vải vừa qua, Đồng Mậm được mùa nhưng quả vải ngọt lịm, đặc sản vùng đất này vẫn không làm sao đến được với người tiêu dùng. Qua một con sông, qua những mảnh rừng, qua hàng cây số đường đất, công vận chuyển còn nhiều hơn cả tiền trái vải. Rất nhiều nhà tại đây không thu hoạch. Họ để mặc thứ trái ngọt ấy chín mọng trên cây trước khi rụng về đất mẹ. Thu hoạch làm gì, bán làm gì vì để làm điều đó, lại mất thêm tiền-thứ mà họ luôn thiếu.

Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 2Hàng ngày các em phải tự chèo thuyền để đi học (Ảnh: CTV)

Học sinh ở đây muốn tới trường phải chèo thuyền qua hồ Cấm Sơn trong hai giờ. Hãy tưởng tượng thế này: Mùa Đông, khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C, giữa bốn bề sông nước, đứa con gái 8 tuổi của bạn phải một mình chèo thuyền trong hai tiếng trên sóng, trên gió, và có thể cả trong bão tố. Đấy là cảnh mà trẻ em Cấm Sơn vẫn trải qua hàng ngày, hàng tuần trong nhiều năm qua...

Tấm lòng đưa con chữ đến với học sinh và con đường...

Không cam chịu thực tế, quyết tâm tìm một con đường cho cho người dân, cho những đứa trẻ, cho tương lai của mảnh đất Đồng Mậm, cô giáo Nguyễn Thị Thạo - hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Hải đã cùng với những người dân và chính quyền nơi đây lên đường tìm kiếm “hy vọng.”

Người hiệu trưởng chạy đôn chạy đáo đưa thực trạng của học sinh ở đây đến với con chữ hiểm nguy và vất vả ra sao đi ra cộng đồng với một niềm tin là sẽ có một con đường cho các con.

Con đường dài hơn 16 cây số được quy ra giờ máy xúc, cần hơn 2000 giờ máy xúc,cỡ khoảng 1 tỷ đồng để có con đường. Từ những hình ảnh ban đầu đưa ra, những tấm lòng góp cho con đường đã lác đác rồi dần nhiều lên chuyển về, nhưng cũng chỉ là muối bỏ bể. Hơn ai hết những nhà báo đã đến đây đưa tin viết bài vô cùng trăn trở mỗi lần nghĩ đến đoạn đường gian nan đi học của các con. Và bên cạnh nỗ lực kêu gọi, họ đã có những sáng kiến "lạ đời"  song lại khá hiệu quả để có tiền trả giờ máy xúc cho con đường.

Đó là nhân một buổi ra mắt sách của Nhà xuất bản Hội nhà văn, các nhà thơ, nhà báo, các họa sĩ,nghệ nhân đã góp các tác phẩm của mình để bán đấu giá lấy "tiền máy xúc" cho con đường Đồng Mậm.

Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 3Buổi đấu giá các tác phẩm đã thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật và giàu thiện tâm (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+)

Chúng tôi có mặt tại Đồng Mậm sáng ngày 4/7. Khoảng 11/16 km đường đã được san lấp. Dù vẫn còn nhiều gập ghềnh và trắc trở, con đường đất đỏ xuyên qua những nóc nhà, ngoặt ngèo, ăn vào đá núi đang dần hiện rõ. Con đường ấy sẽ đưa trẻ em đi học, con đường ấy sẽ đưa những thùng vải về đồng bằng, con đường ấy sẽ mang điện, mang Internet, mang ánh sáng về với Đồng Mậm.

Hơn 200 triệu đồng là số tiền thu được ngày hôm đó, cộng với những khoản đã gửi đến trước cho Đồng Mậm, con đường Đồng Mậm chỉ còn vài cây số nữa là hoàn thiện. Số tiền khoảng 200 triệu đồng, đại diện huyện Lục Ngạn đã hứa huyện sẽ trích từ ngân sách ra để hoàn thiện nốt con đường cho các cháu kịp ngày đến trường tháng 9 tới.

Chia sẻ trên chuyến xuồng máy rời khỏi Đồng Mậm, cô Thạo đầy hy vọng mừng rỡ: con đường sẽ hoàn thành trước tháng Chín tới - thời điểm học sinh bước vào năm học mới, thật tốt quá, tốt quá...

Điện sẽ theo đường về với Đồng Mậm

Vui hơn cả, là cùng với những tấm lòng vẫn hướng tới Đồng Mậm, con đường hình thành thì đường điện cũng nương theo đó về với thôn. Dường như  ánh sáng cùng niềm vui đã nằm đâu đó rất gần trên những nóc nhà của thôn, trong ánh mắt của các cư dân ở đây.

Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 4Điện đang theo đường để về Đồng Mậm trước năm học mới (Ảnh CTV)

Theo khảo sát của phóng viên, giữa tháng 5, Công ty Điện lực Bắc Giang khởi công đường điện cấp cho thôn- nơi mà chỉ nằm trong số rất ít hôn bản của tỉnh Bắc Giang còn “trắng” điện lưới quốc gia. Được biết, đơn vị thi công đang nỗ lực để người dân giữa lòng hồ Cấm Sơn được sử dụng điện trước lễ Quốc khánh 2-9 năm nay./.

Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 5Hơn 200 triệu đồng chỉ là một trong số những đợt tiền được chuyển tới Đồng Mậm thời gian qua. Ít nhất 100 triệu nữa sẽ tiếp tục được chuyển tới trong thời gian gần nhất. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 6Cô Thạo giới thiệu về con đường tới trường của học sinh tiểu học ở Đồng Mậm. Trung bình, mỗi đứa trẻ phải tự chèo thuyền trong hai giờ để tới trường. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 7Nếu con đường được sử dụng, trẻ em sẽ không phải tự chèo thuyền tới trường. Hình ảnh con đường ở điểm bắt đầu - bến phà Đồng Mậm. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 8Băng rừng, xuyên vào đá núi, con đường Đồng Mậm sẽ mang tới hy vọng cho cả mảnh đất này. Việc thông thương, buôn bán, làm ăn, mọi thứ sẽ thay đổi. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 9Xe máy lần đầu tiên xuất hiện trên con đường Đồng Mậm. Đây sẽ là trục giao thương chính của thôn này với bên ngoài trong tương lai. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Để có "con đường đến với cái chữ" giữa lòng hồ Cấm Sơn ảnh 10Những hố chôn cột điện đã được chuẩn bị. Ánh sáng và niềm tin sắp về với Đồng Mậm. Hy vọng về một cuộc sống mới đang tới rất gần. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục