Đế chế thương mại điện tử của Alibaba có dấu hiệu lung lay

Alibaba đang ghi nhận sự giảm tốc đáng kể trong tốc độ tăng trưởng doanh thu quản lý khách hàng (CMR), thường chiếm 33-50% tổng doanh thu của Alibaba.
Đế chế thương mại điện tử của Alibaba có dấu hiệu lung lay ảnh 1Biểu tượng Alibaba tại văn phòng công ty ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 10 năm qua, Alibaba liên tục là “ông hoàng” thương mại điện tử của Trung Quốc, nhưng gần đây, ngôi vị này đang có dấu hiệu lung lay trước sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Alibaba đang ghi nhận sự giảm tốc đáng kể trong tốc độ tăng trưởng doanh thu quản lý khách hàng (CMR), thường chiếm 33-50% tổng doanh thu của Alibaba. CMR của Alibaba chỉ tăng 3% trong quý 3, giảm mạnh so với mức tăng 20% cùng kỳ năm ngoái.

Tháng trước, Alibaba cũng đã hạ dự báo doanh thu cả năm nay, trong khi doanh số, hay Tổng giá trị hàng hóa (GMV), trong dịp Ngày Độc thân năm nay cũng chỉ tăng 8,5%, mức tăng thấp nhất từ trước đến nay.

Các con số đáng thất vọng này một phần là do những thay đổi trong quản lý và sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng cũng thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và thực tế rằng nhiều đối thủ đang dần “chiếm sóng” của Alibaba trong lĩnh vực này.

Trong số đó, Douyin của tập đoàn ByteDance, ứng dụng "chị em" với TikTok, là đối thủ đáng gờm trong mảng thương mại điện tử thông qua hoạt động phát trực tiếp (live-stream), còn Pinduoduo lại đang dẫn đầu trong mảng thương mại điện tử giá rẻ và ở khu vực nông thôn.

[Nhà sáng lập Alibaba bị soán ngôi tỷ phú giàu nhất Trung Quốc]

Theo một nguồn thạo tin, Douyin đang đặt mục tiêu GMV tăng lên hơn 1.000 tỷ NDT (155 tỷ USD) trong năm nay, cao hơn gấp sáu lần con số 150 tỷ NDT ước tính cho năm 2020.

Ứng dụng này, với hơn 600 triệu người dùng đang hoạt động mỗi ngày, đã bắt đầu cho phép người bán mở gian hàng trên nền tảng của mình vào năm 2018.

Năm nay, Douyin đã nới lỏng quy định để các thương hiệu có thể mở gian hàng trên nền tảng này dễ dàng hơn.

Yatsen, công ty mẹ của “ông lớn” mỹ phẩm Perfect Diary của Trung Quốc, dự định sẽ đầu tư nhiều hơn vào hoạt động của mình trên Douyin.

Trong khi đó, doanh thu của Yatsen trên nền tảng Tmall của Alibaba, vốn chiếm khoảng 40% doanh thu của công ty này, đang giảm xuống.

Ông Huang Jinfeng, Giám đốc điều hành của Yatsen, cho biết: “Douyin, ở thời điểm hiện tại, đang trở thành một yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển thương hiệu."

Theo công ty tư vấn Questmobile, một điểm nữa giúp Douyin thu hút người bán là lượng thời gian mà người dùng sử dụng cho Douyin trung bình ở mức 1.871 phút trong tháng Mười, trong khi con số này cho nền tảng Taobao của Alibaba chỉ là 350 phút.

Ngoài ra, lượt xem livestream trên Alibaba có xu hướng chỉ tập trung vào những người nổi tiếng nhất, trong khi Douyin có thể thu hút rất nhiều người thực hiện livestream.

Đế chế thương mại điện tử của Alibaba có dấu hiệu lung lay ảnh 2Douyin là đối thủ đáng gờm của Alibaba. (Nguồn: Douyin)

Một đối thủ lớn khác của Alibaba là Pinduoduo. Nền tảng này phổ biến rộng rãi với người dùng ở khu vực nông thôn nhờ chính sách định giá thấp nhất và mô hình mua theo nhóm khuyến khích người dùng chia sẻ đơn hàng trên các nền tảng nhắn tin để có giá rẻ hơn.

GMV của Pinduoduo đã tăng 66% lên 1.670 tỷ nhân dân tệ trong năm 2020. Dù Goldman Sachs dự đoán GMV của công ty này sẽ tăng chậm hơn nhiều, ở mức 20%, trong quý 4, nhưng mức tăng này cũng cao hơn nhiều so với những kết quả gần đây của Alibaba.

Giới chuyên gia phân tích cho rằng Alibaba đang đi sau Pinduoduo nhiều năm trong việc tạo dựng mối quan hệ với các nhà sản xuất và người bán quan trọng ở các địa phương, vốn là yếu tố quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, bà Daphne Tuijn của công ty phân tích Chaoly cho biết Alibaba còn không thể thực hiện hoạt động marketing lan tỏa (viral) hiệu quả như Pinduoduo, do không được trực tiếp tiếp cận một nền tảng nhắn tin như WeChat của Tencent.

Tuần này, sau nhiều cải cách trước đó, Alibaba đã công bố sẽ tái tổ chức hoạt động thương mại điện tử của mình thành hai mảng, một cho thị trường trong nước và một cho thị trường nước ngoài.

Mặc dù vậy, Alibaba vẫn còn rất nhiều thách thức, và giới phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng “ông lớn” này có thể quay lại thời kỳ hoàng kim với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc.

Douyin và Pinduoduo chỉ là hai trong số ít nhất là 10 đối thủ lớn của Alibaba.

JD.com vẫn là đối thủ gần nhất của Alibaba, trong khi Meituan và Baidu Inc, lần lượt là các “gã khổng lồ” trong lĩnh vực máy tìm kiếm và giao đồ ăn, cũng đang mở rộng các dịch vụ thương mại điện tử của mình.

Cùng lúc đó, các công ty khởi nghiệp (startup) nhỏ hơn đang nhắm đến các thị trường ngách như giày dép và đồ trang điểm.

Bên cạnh đó, Alibaba cũng chịu ảnh hưởng bởi sự thắt chặt kiểm soát của các cơ quan quản lý, trong đó “ông lớn” này buộc phải bỏ một chính sách yêu cầu người bán mở gian hàng độc quyền trên các nền tảng của mình.

Ông Lu Zhenwang, (CEO) của công ty tư vấn Wanqing Consultancy ở Thượng Hải cho biết: “Tôi không tin rằng Alibaba có thể đảo ngược tình thế… mà chỉ có thể áp dụng một chính sách phòng thủ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục