Để câu hát, nhịp phách ca trù ngân vang: ‘Không thể nhảy lò cò’

Việc tồn tại nhiều luồng ý kiến trái chiều trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng là một trong những lý do khiến cho cộng đồng và các nhà quản lý văn hóa lúng túng.
Để câu hát, nhịp phách ca trù ngân vang: ‘Không thể nhảy lò cò’ ảnh 1Một tiết mục tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc 2018. (Ảnh: TTXVN)

Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 hoàn toàn vắng bóng nghệ nhân. Thay vào đó, chương trình chỉ có các đào nương, kép đàn mới tham dự.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia), việc hình thành được thế hệ nghệ nhân kế cận là một kết quả quan trọng của quá trình phục hưng và phát triển ca trù trong đời sống đương đại. Đây cũng là cơ sở dữ liệu thuyết phục để đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chuyển ca trù từ Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của thế giới.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan xung quanh vấn đề này.

“Cộng đồng nuôi nấng”

- Theo đánh giá của ông, “bức tranh” ca trù hiện nay có gì đặc biệt, thưa nhà nghiên cứu?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Theo quan sát của riêng tôi, nhìn chung, ca trù được cộng đồng - chủ nhân của di sản yêu thích và nuôi nấng. Nếu quần chúng không thích, không tự nuôi thì ca trù “chết” từ lâu rồi!

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ca trù phổ biến, được biểu diễn liên tục như nhạc trẻ. Chúng ta không thể đòi hỏi điều này. Thay vào đó, ta thấy rằng, các chương trình biểu diễn, các hoạt động ca trù được diễn ra thường xuyên, bài bản hơn.

[Mega Story: Chuyện đào nương nhí của ngôi làng ca trù 600 năm tuổi]

Sức sống của ca trù trong đời sống đương đại được thể hiện tương đối rõ nét ngay tại chính liên hoan lần này. Nếu sau gần 10 năm được UNESCO vinh danh mà việc truyền dạy, phát huy giá trị di sản này vẫn do các nghệ nhân lão thành đảm nhận thì đó thực sự là một vấn đề báo động. Bởi lẽ, hiện nay, cả nước chỉ còn khoảng hai, ba nghệ nhân nhưng họ đã ở ngưỡng tuổi 90, không đủ sức để trình diễn nữa. Thay vào đó, di sản này đã có được một thế hệ nghệ nhân mới. Nhiều bạn trẻ đã tự trau dồi, tìm đến các nghệ nhân để học hỏi để trở thành giọng hát hay, tay đàn giỏi.

Ở giai đoạn năm 2005-2008, ca trù đứng trước nguy cơ không có người đàn. Cả nước chỉ còn hai, ba nghệ nhân đàn. Tuy nhiên, đến nay, di sản này đã có khoảng chục tay đàn có kỹ thuật tốt, điêu luyện.

Khi ca trù mới được UNESCO vinh danh (năm 2009), các ca nương trẻ chỉ hát được khoảng ba thể cách. Sau 5 năm, họ hát được khoảng 11 thể cách. Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 sẽ kiểm đếm xem các đào nương thuộc thế hệ mới đã hát được bao nhiêu thể cách trong số 34 thể cách của ca trù.

- Trong số các địa phương có di sản ca trù, nơi nào được coi là điểm sáng trong việc phục hưng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Thủ đô Hà Nội là điểm sáng về phục hưng nghệ thuật ca trù. Đây là một trung tâm lớn của ca trù trong thời kỳ hiện đại. Tôi cho rằng, Hà Nội dẫn đầu cả nước về nhiều mặt: số lượng nghệ nhân, công tác sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, tổ chức các lớp truyền dạy, các kỳ liên hoan…

Ngoài ra, Hải Dương cũng là một địa phương làm khá tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị ca trù.

Để câu hát, nhịp phách ca trù ngân vang: ‘Không thể nhảy lò cò’ ảnh 2Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

- Vậy còn các địa phương khác thì sao, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Các địa phương khác chưa chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không có kế hoạch hành động cụ thể, không tổ chức các chương trình liên hoan, sinh hoạt ca trù thường xuyên cho cộng đồng. Nói cách khác, đội ngũ quản lý chưa nhận rõ giá trí trị di sản trong đời sống đương đại.

Bên cạnh đó, hiện nay, thực trạng “địa phương chủ nghĩa” trong công tác bảo tồn và phát huy di sản vẫn tồn tại. Di sản của nơi nào thì chỉ có nơi ấy quan tâm.

Mặt khác, việc có quá nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng là một trong những lý do khiến cho cộng đồng lúng túng, các nhà quản lý văn hóa lúng túng.

“Không thể nhảy lò cò?

- Thưa nhà nghiên cứu, việc lúng túng này cụ thể là gì?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Họ không biết lựa chọn theo đường hướng nào, băn khoăn giữa những hướng đi. Ví dụ, có nhiều ý kiến cho rằng, phải bảo tồn nguyên vẹn, tuyệt đối những gì cha ông truyền lại. Thế nhưng, ở góc độ khác, có luận điểm rằng, việc bảo tồn không nên quá cứng nhắc, cần sự linh hoạt để phù hợp với đời sống hiện đại.

Trước hai luồng ý kiến ấy, cộng đồng đang rất lúng túng. Những nhà quản lý ở các tỉnh chưa mạnh dạn đưa ra những tư duy cá nhân, hành động riêng cho địa phương của mình. Việc đưa ra một quyết sách về việc này là vô cùng cần thiết, chúng ta phải lựa chọn rõ ràng, dứt khoát đường hướng của mình. Khi có nhận thức đúng, rõ ràng thì việc bảo vệ không phải điều quá khó.

Một phần tư thế kỷ gìn giữ nghệ thuật dân tộc. (Nguồn: VNews)

- Quan điểm của cá nhân ông là gì trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống hiện nay?

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: Nhiều người hỏi tôi “thế nào là bảo tồn nguyên vẹn? Nguyên trạng ban đầu của di sản là thế nào?” Đó là vấn đề rất đáng bàn bởi di sản văn hóa phi vật thể luôn có sự vận động theo đời sống, thời gian. Nó không đứng im. Ngôn ngữ biến đổi, sinh hoạt thay đổi, cuộc sống đổi khác thì nghệ thuật cũng biến đổi.

Quan điểm của tôi là “bảo tồn chặt chẽ và phát triển mạnh mẽ,” phải đi bằng hai chân, không thể nhảy lò cò. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần một nhận thức đúng và sự hiểu biết sâu sắc thực sự.

Bên cạnh việc gìn giữ “hồn cốt,” những giá trị cốt lõi của di sản, các yếu tố khác cần sự biến đổi linh hoạt để phù hợp với công chúng đương đại để lôi kéo, thu hút công chúng. Nếu không có công chúng, cộng đồng quan tâm thì di sản không thể tồn tại.

Tiết mục trình diễn trong đêm khai mạc Liên hoan ca trù toàn quốc (tối 1/11) là một thử nghiệm, “gợi ý” về cách thức, đường hướng này. Tiếng hát một nghệ nhân lão thành ngoài 90 tuổi vang lên trên nền nhạc được phối lại theo kiểu hiện đại đã tạo ra một tiết mục ấn tượng.

Nhiều nghệ sỹ hiện nay (như Đặng Tuệ Nguyên, Phó An My, Ngô Hồng Quang…) đã làm rất tốt việc kết hợp nghệ thuật truyền thống của dân tộc với nghệ thuật phương Tây và những loại hình, yếu tố đương đại. Họ đã tạo cho nghệ thuật Việt Nam dáng hình, âm sắc riêng, thu hút được công chúng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 diễn ra từ ngày 1-5/11 tại Hà Tĩnh. Chương trình có sự tham gia của các đơn vị, câu lạc bộ ca trù của 13 tỉnh, thành phố có di sản này (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thành phố Hồ Chí Minh) với 88 tiết mục.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục