Đề cao trách nhiệm bộ trưởng trong thành lập ĐH

Các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này và đề nghị tiến tới phải sửa đổi cơ bản, toàn diện hơn. 
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước và sự góp ý, xây dựng tâm huyết của rất nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 30/10.

Tuy còn những ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này và đề nghị tiến tới phải sửa đổi cơ bản, toàn diện hơn để giải quyết được tận gốc những vấn đề tồn tại trong quản lý và đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống và mong đợi của cử tri.

Thẩm quyền thành lập trường đại học

Một trong những nội dung sửa đổi của dự thảo lần này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là điều kiện thành lập nhà trường và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học.

Đa số các đại biểu tán thành giao thẩm quyền này cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục để tăng cường trách nhiệm cá nhân, vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng, đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm minh, nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhiều đại biểu như đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội), Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang)… tán thành việc thành lập nhà trường cần tách thành hai bước và quy định điều kiện tương ứng cho từng bước như Dự thảo Luật, đồng thời quy định thật rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hơn về những điều kiện thành lập như: điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục nên trình bày thành các yêu cầu cụ thể để thuận tiện trong việc thẩm định và giám sát thực hiện.

Trong khi đó, một số đại biểu như đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Trần Tiến Cảnh (Hà Nam)… đề nghị giữ nguyên như hiện hành, giao trách nhiệm thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng tỏ ra băn khoăn vì quy định thành lập trường hiện còn chung chung, nên xem xét thiết kế lại để vừa đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng và khả thi, tạo thuận lợi trong thẩm định và giám sát thực hiện.

Đại biểu đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng về thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học phải thuộc Thủ tướng Chính phủ, không nên giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo bởi đây là vấn đề quan trọng, cần thận trọng và đề cao.

Một số đại biểu khác cũng nêu lên quan điểm cho rằng: 1 bước hay tách thành 2 bước, trao thẩm quyền cho ai không quan trọng mà vấn đề là phải giải quyết được gỗc rễ của vấn đề là đảm bảo điều kiện của các trường, có chế tài xử lý nghiêm minh, chặt chẽ với những trường hợp vi phạm.

Nguyên nhân khiến trường chưa đủ điều kiện vẫn ra đời

Cuối phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung.

Theo Phó Thủ tướng, 4 mục tiêu sửa đổi, bổ sung lần này đặt ra là: Đưa phổ cập mầm non 5 tuổi trở thành nhiệm vụ của đất nước và hệ thống giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chăm sóc tốt hơn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

4 mục tiêu này chỉ sửa ở cấp luật còn trên thực tế, nhiều nội dung mà đại biểu quan tâm đã hoặc cần được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.

Theo Phó Thủ tướng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng các trường đại học chưa đủ điều kiện vẫn ra đời. Thứ nhất, theo quy định hiện nay, việc thẩm định có thể tại chỗ hoặc trên hồ sơ, do đó dẫn tới các trường tiến hành tuyển sinh đào tạo trong khi thực tế không đạt điều kiện.

Bộ đã có hướng sửa ngay trong tháng 12/2009, quy định thẩm định tại chỗ, không thẩm định trên giấy, như vậy sẽ khắc phục được điều này, chưa cần đưa vào sửa trong luật.

Các nguyên nhân khác là chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường không đạt yêu cầu; bản thân Bộ chưa tham mưu cho Chính phủ phân cấp kiểm tra việc thực hiện các quy chế của đào tạo trong tuyển sinh cho các trường đại học địa phương nên Bộ không đủ khả năng nắm chắc; mỗi trường đại học có hàng trăm giảng viên, hàng nghìn sinh viên nhưng chính lực lượng này chưa tham gia kiểm định chất lượng chính cơ sở giáo đào tạo của mình.

Theo Phó Thủ tướng, giao thẩm quyền thành lập trường là khẳng định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, nếu có sai sót phải chịu trách nhiệm.

Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục