Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải gắn sản phẩm theo chuỗi giá trị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, để cạnh tranh tốt hơn, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chấp nhận đổi mới phương thức quản trị, quan trọng hơn là phải gắn sản phẩm của mình vào chuỗi giá trị.
Để cạnh tranh, doanh nghiệp phải gắn sản phẩm theo chuỗi giá trị ảnh 1Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chấp nhận đổi mới phương thức quản trị, quan trọng hơn là phải gắn sản phẩm của mình vào chuỗi giá trị.

"Đầu tiên có thể là chuỗi giá trị trong nước, sau đó vươn lên thành chuỗi giá trị toàn cầu," ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Đức Kiên đã có chia sẻ với phóng viên về những khó khăn của doanh nghiệp cũng như cơ chế chính sách của nhà nước đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.


- Thưa ông, qua thảo luận vấn đề kinh tế xã hội, những khó khăn của doanh nghiệp trong nước hiện nay được nhìn nhận như thế nào để có hướng giải quyết?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Qua thảo luận về kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tìm hiểu tại sao doanh nghiệp khó khăn, tại sao phá sản, giải thể trong khi Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

Phân tích của cơ quan thuế về 213.000 doanh nghiệp gặp khó khăn trong nộp thuế của 9 tháng đầu năm 2014 cho thấy phần đông là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, không có đầu ra. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế trình Quốc hội thì cho thấy cầu của nền kinh tế quá thấp, cả trong lĩnh vực sản xuất như sắt thép, sản xuất vật liệu xây dựng, các xí nghiệp xây dựng cũng đều gặp khó khăn.

- Bên cạnh tổng cầu thấp, còn có những vấn đề gì của doanh nghiệp được đưa ra thảo luận thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Có thể thấy ngoài tổng cầu thấp thì vấn đề tài chính của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

Thống kê cho thấy, tại thị trường nội địa hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dừng sản xuất hay phá sản chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Điều này cho thấy họ khai thác thị trường Việt Nam tốt hơn doanh nghiệp của ta.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì nguồn lực tài chính của doanh nghiệp FDI tốt hơn rất nhiều, họ có thể vay vốn với lãi suất rất thấp từ nội địa của họ để vươn ra ngoài đầu tư.

Số liệu mới đây thì bình thường không có khủng hoảng mỗi năm ở Mỹ có khoảng 8% trên tổng số doanh nghiệp của nước này bị giải thể, phá sản. Nhưng công tác giải thể, phá sản của Mỹ rất nhanh nhờ việc giải chấp và thanh lý tài sản thế chấp nhanh hơn, không bị ràng buộc như ở Việt Nam.

Trong khi đó ở Việt Nam, bất cập đầu tiên là công tác quản trị doanh nghiệp không theo mô hình quản trị hiện đại mà tích lũy từ kinh nghiệm doanh nghiệp gia đình phát triển lên. Do vậy nguồn vốn tài chính của doanh nghiệp cũng không đảm bảo.

Một điểm nữa là có rất ít doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ ở mức trung bình hoặc tiên tiến nên năng suất lao động không cao và sản phẩm tạo ra cũng có giá thành đắt hơn.

- Trước thực tế như vậy, nhà nước có chính sách để hỗ trợ cũng như định hướng doanh nghiệp hoạt động tốt hơn không thưa ông?

Ông Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi tư tưởng bao cấp là không nên, nhà nước chỉ làn ở những lĩnh vực ưu tiên, còn với những thành phần kinh tế khác thì bằng cơ chế chính sách, hoặc tín dụng ưu đãi cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nói chung doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chấp nhận đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, hơn nữa phải gắn sản phẩm của mình vào chuỗi giá trị. Đầu tiên có thể là chuỗi giá trị trong nước, sau đó vươn lên thành chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp thành công từ việc tham gia chuỗi giá trị trong nước và nước ngoài, đơn cử như Công ty May Việt Tiến, May 10 hay các doanh nghiệp lớn khác. Ban đầu có thể làm các thiết bị nhỏ nhưng dần dần phải nâng lên ở những chi tiết lớn hơn. Vấn đề quan trọng là làm sao sản phẩm phải đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của đối tác. Sau đó mới có thể đổi mới.

Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiền bỏ trực tiếp ra thì họ phải suy nghĩ, ở đây mình chỉ có tính chất tư vấn cho họ đường đi như thế, tiền là tiền của họ bỏ ra nên người chủ doanh nghiệp phải tự quyết định, nhà nước không thể bảo họ phải làm thế này hoặc thế khác, tư vấn nhưng biết vị trí ở mức độ nào chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính.

- Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trả lời phỏng vấn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục