Để các nước khu vực sông Mekong sớm thoát khỏi đại dịch COVID-19

Các nước thuộc khu vực sông Mekong ở Đông Nam Á cần phối hợp và có chiến lược để trở thành một khu vực sản xuất và cung cấp vaccine, từ đó có thể cùng nhau sớm thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Để các nước khu vực sông Mekong sớm thoát khỏi đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2/3/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bài phân tích đăng trên tờ Bangkok Post (Thái Lan) mới đây, Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc trường Đại học Chulalongkorn - Giáo sư Thitinan Pongsudhirak - nhận định rằng các nước thuộc khu vực sông Mekong ở Đông Nam Á lục địa cần phối hợp và có chiến lược để trở thành một khu vực sản xuất và cung cấp vaccine, từ đó có thể cùng nhau sớm thoát khỏi đại dịch COVID-19. Dưới đây là nội dung bài phân tích:

Khi ngoại giao vaccine phát triển mạnh và chủ nghĩa dân tộc vaccine nổi lên, rõ ràng, việc tất cả các quốc gia "bỏ trứng vào cùng một giỏ" là một giải pháp toàn cầu lý tưởng cho vấn đề hành động tập thể nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.

Nếu tất cả các quốc gia đều bị buộc phải dựa vào các liên minh vaccine toàn cầu và kế hoạch Tiếp cận vaccine toàn cầu COVID-19 (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mà ở đó bất kỳ loại vaccine nào cho một người đều có nghĩa là "thuốc giải độc" có sẵn cho tất cả mọi người, thì sự phục hồi sau đại dịch sẽ đến nhanh hơn và thuận lợi hơn với nhiều triển vọng hứa hẹn hơn.

Tuy nhiên, khi không có giải pháp lý tưởng đó, hệ thống y tế toàn cầu chủ yếu dựa vào sự tự lực, từng quốc gia đang vạch ra kế hoạch phục hồi của riêng mình với sự kết hợp của các chiến lược mua sắm.

Đối với Thái Lan, giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 đã được xử lý tốt. Chiến lược của Thái Lan là giảm thiểu số ca mắc bệnh trong khi chờ vaccine dường như đã được chứng minh là hiệu quả.

Trong phần lớn năm 2020, Thái Lan vẫn duy trì các hoạt động trong nước, du lịch nội địa vẫn hoạt động trong khi hạn chế du khách nước ngoài nhập cảnh. Tuy nhiên, khi nhiều nước trên thế giới bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 từ đầu năm 2021, Thái Lan đã có quyết định sai lầm, khiến tình hình dịch bệnh trong nước trở nên tồi tệ hơn do số ca mắc mới tăng mạnh. Chính phủ Thái Lan đã lựa chọn không tham gia COVAX.

[Các nước Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận gia tăng số ca mắc mới]

Trong khi đó, các nước ASEAN khác và hầu hết các quốc gia trên thế giới đăng ký tham gia và "đặt cược" vào hợp tác trực tiếp giữa hãng dược phẩm AstraZeneca và Siam Bioscience, sau này có sự "góp mặt" của hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc.

Không một ngày nào trôi qua mà công chúng Thái Lan không chỉ trích chính phủ về quyết định nói trên cũng như sự quản lý yếu kém của chính phủ về công tác vaccine và tình trạng che đậy thông tin.

Trong bối cảnh Thái Lan phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm mới và những triển vọng bấp bênh, điều cần được xem xét ngay bây giờ là thiết lập một khu vực chế tạo và cung cấp vaccine có sẵn ở khu vực sông Mekong của vùng Đông Nam Á lục địa trong tương lai gần.

Kế hoạch tiêm chủng ở Thái Lan sẽ gây ra những hạn chế cho sự phục hồi kinh tế trong dài hạn, trừ khi Campuchia, Lào và Myanmar cũng có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng tương tự do có sự hội nhập thị trường lao động cũng như những trao đổi thương mại và đầu tư.

Nền kinh tế đã được hưởng lợi từ các nước láng giềng đang phát triển nhanh chóng. Trừ khi các nền kinh tế này có thể tăng trưởng cùng nhau, hiệu quả kinh tế của khu vực sẽ thấp hơn giá trị thực tế.

Sau hơn một năm lây lan toàn cầu, COVID-19 vẫn hoành hành ở khu vực sông Mekong với những tác động bất lợi về kinh tế và xã hội và những xu hướng phục hồi khác nhau ở các nước. Khi COVID-19 chuyển từ giai đoạn virus xuất hiện sang giai đoạn tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng, các nước thuộc khu vực sông Mekong có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Ngoại giao vaccine từ Trung Quốc và Nga cũng như chủ nghĩa dân tộc vaccine giữa các quốc gia vốn có thể không thừa nhận vaccine của nhau sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc Đông Nam Á lục địa thoát ra khỏi tình trạng ảm đạm của COVID-19 như thế nào.

Tình trạng suy giảm kinh tế từng được dự báo từ 6 tháng trước thậm chí hiện giờ còn trở nên tồi tệ hơn, với những tác động trực tiếp đến các điều kiện xã hội như nghèo đói và thất nghiệp nhiều hơn.

Cũng cần lưu ý về những mô hình và xu hướng COVID-19 giữa các giai đoạn virus xuất hiện và tiêm chủng. Một xu hướng đáng chú ý là một số quốc gia yếu kém trong những tháng đại dịch ban đầu - đặc biệt là Mỹ, Anh và phần lớn Liên minh châu Âu (EU) - đã có những đợt triển khai tiêm chủng vaccine ấn tượng và có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng sớm hơn những quốc gia khác vốn ban đầu đã làm tốt nhưng sau đó bị tụt lại sau do hứng chịu những làn sóng dịch mới và chiến dịch tiêm chủng bị trì hoãn.

Các nước ở khu vực sông Mekong thuộc nhóm thứ hai được đề cập ở trên. Mặc dù các nước này có số ca lây nhiễm tương đối thấp trong năm 2020, song họ khó được tiếp cận vaccine và tiêm chủng, cản trở sự phục hồi hoàn toàn của hoạt động kinh tế.

Những thành công tương đối trong việc kiềm chế đại dịch ở khu vực sông Mekong dường như khiến việc tiêm chủng ít khẩn cấp hơn so với các quốc gia khác có số ca lây nhiễm cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, sự lan rộng của virus hiện nay, đặc biệt là ở Thái Lan - nước được coi là một trung tâm của khu vực - cho thấy cần có các chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng để đảm bảo phục hồi kinh tế và khả năng vượt qua COVID-19 một cách vững chắc.

Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng toàn cầu, tất cả các nước sông Mekong đều nằm phía dưới bảng xếp hạng về tiêm chủng.

Theo dữ liệu y tế toàn cầu, những lựa chọn vaccine của họ cũng đang nói lên điều đó. AstraZeneca của Anh là vaccine được Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam lựa chọn, trong khi Lào sử dụng Sinopharm của Trung Quốc và Sputnik của Nga. Campuchia và Thái Lan cũng đã nhận được Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc, nhưng Myanmar và Việt Nam cho đến nay mới chỉ triển khai AstraZeneca.

Vì các lô vaccine mà Myanmar nhận được bắt nguồn từ cử chỉ thiện chí của Ấn Độ, nên nguồn cung của Myanmar có thể sẽ giảm khi Ấn Độ hiện giờ tập trung sản xuất vaccine để phục vụ cho chính người dân của mình.

Các quốc gia tiếp nhận AstraZeneca ở khu vực sông Mekong là thành viên của COVAX, trong đó có sự vắng mặt rõ ràng của Thái Lan.

Việc mua sắm vaccine đa dạng giữa các nước thuộc khu vực sông Mekong phản ánh vấn đề địa chính trị. "Ngoại giao vaccine" của Trung Quốc phát huy nhiều hơn ở Campuchia, Myanmar và Thái Lan, nhưng ít hơn ở Myanmar và Việt Nam.

AstraZeneca được săn đón bởi tất cả các nước thuộc khu vực sông Mekong, trừ Lào. Mặt khác, các vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson do Mỹ sản xuất hiện không có trong những tủ vaccine của khu vực Mekong.

Mục đích độc quyền của Thái Lan đảm bảo có giấy phép sản xuất từ AstraZeneca chỉ cho hãng dược phẩm Siam Bioscience của Thái Lan cũng gây ra những rủi ro cho lục địa Đông Nam Á.

Trong khi nước này được cho là trung tâm sản xuất khu vực để triển khai AstraZeneca ở Đông Nam Á, Siam Bioscience thuộc sở hữu của Hoàng gia Thái Lan đang bị chậm tiến độ, với ngày càng nhiều nghi ngại về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Công ty Siam Bioscience có thể hoàn thành rất sớm, nhưng nếu không, sự chậm trễ sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho khu vực.

Đến lượt mình, thế giới vaccine dường như lại được chia thành 3 nhóm riêng biệt với sự chồng chéo lên nhau. Các nước phát triển trong "thế giới thứ nhất" về vaccine đang nhanh chóng tiến đến khả năng miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2021.

Các nhãn hiệu vaccine của Nga và Trung Quốc đang tiếp cận các quốc gia trong "thế giới thứ hai", nơi Moskva và Bắc Kinh có ảnh hưởng địa chính trị. Những vaccine ở các nước "thế giới thứ ba" dường như chỉ dành cho những người có khả năng tiếp cận hạn chế và không có nhiều lựa chọn ngoài việc dựa vào chương trình Covax và tài trợ vaccine.

Vì các nước thuộc khu vực sông Mekong nằm rải rác trong 2 nhóm cuối với khả năng chi trả khác nhau, ví dụ Lào ở nhóm thứ hai và Myanmar ở nhóm thứ ba, nên việc khu vực hóa vaccine là điều bắt buộc.

Vaccine cho một quốc gia sẽ có nghĩa là "thuốc giải độc" cho toàn bộ khu vực sông Mekong xét về khả năng kết nối đất liền, thương mại nội vùng và hội nhập thị trường lao động. Hơn nữa, khu vực hóa việc mua sắm, sản xuất và phân phối vaccine sẽ rất quan trọng đối với việc mở cửa trở lại và phục hồi nền kinh tế.

Trong khi Singapore cùng với Mỹ và Anh là các quốc gia tiên tiến đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, thì các nước Mekong lại tụt hậu. Theo dữ liệu của Economist Intelligence Unit, Việt Nam và Thái Lan đang trên đà vượt lên từ COVID-19 sớm hơn Campuchia, Lào và Myanmar.

Tuy nhiên, Thái Lan cần các nước láng giềng bên cạnh cũng đạt được miễn dịch cộng đồng để phục hồi hoàn toàn hoạt động kinh tế trong bối cảnh di cư lao động, thương mại biên giới và khả năng bùng phát và/hoặc những biến thể virus mới từ Campuchia, Lào và Myanmar. Có thể hình dung rằng Campuchia, Lào và Myanmar sẽ không đủ sức loại bỏ COVID-19 cho đến năm 2023 hoặc lâu hơn nữa.

Myanmar thời hậu đảo chính với bạo lực gia tăng và nội chiến rất dễ bị tổn thương do thời gian phục hồi lâu hơn. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể kéo dài tới 5 năm kể từ khi bùng phát cho tới thời kỳ "bình thường mới."

Do những thách thức cả về virus lẫn vaccine đã củng cố thêm "tính khu vực" của các quốc gia Mekong lục địa, các chính phủ liên quan cần tập trung vào cách tiếp cận khu vực hóa vaccine và tăng cường khả năng cung cấp cũng như tiếp cận AstraZeneca từ COVAX cho tất cả 5 quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục