Để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những cam kết trong Hiệp định CPTPP

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng chúng ta chưa tận dụng được hết những dư địa đó.
Để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những cam kết trong Hiệp định CPTPP ảnh 1Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Ngày 9/7, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học cùng hàng trăm doanh nghiệp của Hà Nội đã tham dự “Hội nghị tập huấn chuyên sâu về cam kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” do Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức.

Hội nghị là một trong chuỗi hoạt động nằm trong Kế hoạch thực thi Hiệp định CPTPP năm 2020 của Bộ Công Thương.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định CPTPP mang lại.

Từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực và hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của địa phương.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 63 tỉnh, thành thì chưa đến 40 tỉnh, thành có quan hệ xuất nhập khẩu với các nước thành viên CPTPP. Riêng với hai thị trường Canada và Mexico thì chưa đến 10 tỉnh, thành có quan hệ giao thương.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng chúng ta chưa tận dụng được hết những dư địa đó. Mặc dù, Hiệp định CPTPP đã trải qua hơn 1 năm thực thi với nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Về kết quả hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD.

[Việt Nam-Canada thúc đẩy hợp tác, tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP]

Hội nghị diễn ra trong vòng 2 ngày 9 và 10/7/2020, với 3 phiên tập huấn chuyên sâu, bao gồm các nội dung liên quan đến hàng hóa, quy tắc xuất xứ và dịch vụ-đầu tư.

Trong phiên ngày 9/7, các đại biểu tập trung vào các nội dung liên quan đến tổng quan thuế xuất nhập khẩu, hướng dẫn thực hành tra cứu và thực thi cam kết thuế xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, cam kết hải quan để được áp dụng thuế ưu đãi của Hiệp định CPTPP.

Tại phiên thảo luận, với sự tham gia hướng dẫn của các cán bộ phụ trách trực tiếp, Hội nghị đã giúp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua việc giải đáp những tình huống thực tế mà một số doanh nghiệp hiện đang gặp phải khi đang có nhu cầu tìm hiểu và xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Sơn Trà, Phó Trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại (Bộ Công Thương) đã thông tin cho các doanh nghiệp về cam kết thuế nhập khẩu của các nước CPTPP.

Để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những cam kết trong Hiệp định CPTPP ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đó là cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực khoảng 78-95% số dòng thuế; xóa bỏ hoàn toàn 97-100% dòng thuế vào cuối lộ trình. Các mặt hàng còn lại lộ trình xóa bỏ thuế trong 5-10 năm, một số mặt hàng nhạy cảm lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng TRQ.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường CPTPP được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm. Cụ thể, những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Canada hưởng lợi thuế 0% ngay khi có hiệu lực là túi xách, sản phẩm kim loại; sản phẩm nhựa, cao su; thủ công mỹ nghệ; nông sản, thủy sản; túi xách; giày dép và dệt may về 0% lộ trình từ 0-3 năm.

Hội nghị sẽ tiếp tục vào ngày mai 10/7, các đại biểu sẽ tập trung giới thiệu các nội dung liên quan đến dịch vụ-đầu tư, trong đó tập trung vào các nghĩa vụ, nguyên tắc cơ bản về mở cửa cửa thị trường, xoá bỏ rào cản đối với dịch vụ-đầu tư, cam kết liên quan tới khuyến khích và bảo hộ đầu tư và hướng dẫn cấu trúc, cách đọc hiểu và tra cứu cam kết dịch vụ-đầu tư trong Hiệp định CPTPP.

Tham gia phiên thảo luận có sự hiện diện của các cán bộ quản lý trực tiếp lĩnh vực dịch vụ - đầu tư của Bộ Công Thương và cán bộ đã có kinh nghiệm tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế của Bộ Tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục