ĐBSCL đặt mục tiêu tìm việc làm cho hơn 370.000 lao động

Năm 2014, toàn vùng ĐBSCL phấn đấu giải quyết việc làm cho 371.000 lao động, trong đó có 110.000 lao động nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong năm 2014, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu giải quyết việc làm cho 371.000 lao động, trong đó có 110.000 lao động nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, góp phần đưa số cơ sở dạy nghề toàn vùng lên 11 trường cao đẳng nghề, 20 trường trung cấp nghề (trong đó có hai trường dạy nghề cho người dân tộc thiểu số), 119 trung tâm dạy nghề cấp huyện.

Các tỉnh phối hợp với Trường Công nhân Kỹ thuật, Trường trung học Cơ điện Nam bộ, Trường Cao đẳng nghề tại Cần Thơ, Kiên Giang và một số trường dạy nghề khác dạy 15 ngành nghề cho hàng ngàn lao động.

Trong đó, có nhiều ngành mới như chế biến nông sản, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, lại tạo các giống cây trồng mới, chăn nuôi, thú y, đường mía, cơ điện nông thôn, cấp thoát nước nông thôn, bảo vệ thực vật, thiết bị xe máy đồng thời lồng ghép việc dạy nghề cho 114.000 lao động nông thôn qua các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới .

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng huy động đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi nghề thuộc các doanh nghiệp, làng nghề...tham gia dạy nghề cho người lao động tại chỗ, đồng thời nâng cao qui mô dạy nghề với nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế, sinh sống của từng nhóm đối tượng ở vùng nông thôn; chú ý dạy nghề lưu động, liên kết giữa các doanh nghiệp với làng nghề nhằm đào tạo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở.

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện dịch vụ môi giới, tư vấn, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, khôi phục nhiều làng nghề đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ nông nghiệp vùng nông thôn tạo thêm việc làm lao động vùng nông thôn.

Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trong vùng ký kết hợp đồng cung ứng 6.000 lao động cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các tỉnh phát triển mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm, hệ thống cơ sở thông tin về thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch về việc làm đến cấp huyện, xã gắn với cung ứng lao động cho người sử dụng lao động; tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi đối với người lao động vùng nông thôn, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có điều kiện đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục