ĐBQH: Nới thời gian cấp thị thực sẽ mở cánh cửa cho đầu tư, du lịch

Ngoài việc mở rộng các nước và vùng lãnh thổ cấp thị thực điện tử, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến cần thiết tăng thời gian cấp thị thực nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư và du lịch.
ĐBQH: Nới thời gian cấp thị thực sẽ mở cánh cửa cho đầu tư, du lịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc tăng thời gian thị thực đối với người nước ngoài nhằm tạo điều kiện xúc tiến đầu tư, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.

Cấp thiết nâng thời gian thị thực

Tại buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài của Quốc hội vào chiều 2/6, thống nhất với việc tăng thời gian thị thực cho người nước ngoài được cấp thị thực điện tử từ 30 ngày sang 3 tháng, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, đoàn thành phố Cần Thơ nêu quan điểm nên ghi “90 ngày" vì các nước khi cấp thị thực ngắn hạn họ đều ghi ngày chứ không ghi tháng và thị thực này có giá trị một lần trở thành có giá trị một hay nhiều lần.

Theo đại biểu, Chính phủ đã dự thảo nghị quyết về danh sách 156 nước và vùng lãnh thổ cấp thị thực điện tử và danh sách 13 cửa khẩu đường sông, 13 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài được nhập cảnh bằng thị thực điện tử kèm theo dự thảo luật này. Như vậy, cho thấy chúng ta đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến với Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư hoặc các hoạt động khác.

Ông cũng đề xuất Ban soạn thảo nên xem xét cho phép thời gian tạm trú lên 60 ngày (hiện đang đề xuất từ 15 lên 45 ngày) vì các nước như Thái Lan và Singapore là 45 và 90 ngày, từ đó quy định của Việt Nam từng bước tương đồng với các nước trong khu vực.

Đồng tình quan điểm, đại biểu Lê Nhật Thành, đoàn thành phố Hà Nội cho biết sau khi Chính phủ khôi phục chính sách xuất, nhập cảnh như trước giai đoạn dịch COVID-19 đến nay số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ thời gian trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, do thời hạn thị thực điện tử ngắn có 30 ngày nên chưa thu hút được nhiều hơn người nước ngoài.

“Việc Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam,” ông Thành nói.

[Luật Xuất nhập cảnh: Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng]

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra con số so sánh, hiện tại, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Số lượng quốc gia có khách du lịch Việt Nam được miễn thị thực cũng chỉ bằng 5-15% so với các nước ASEAN.

Đối chiếu với các điều khoản sửa đổi về thị thực trong dự thảo luật, đại biểu Hùng nhận thấy việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam cũng chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực.

Vì vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này và cần tăng miễn thị thực, gia hạn, tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài trong dự thảo luật.

Nhìn nhận cần bổ sung quy định về công khai thông tin thị thực và quy định chi phí thị thực hợp lý, phù hợp với mức của các quốc gia trong khu vực, theo đại biểu Hùng, thông tin về các loại thị thực cấp cho khách du lịch và phí cấp thị thực chưa được công bố và không thể tìm thấy ngay cả trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm hoặc trong trường hợp có công bố thị thực thì có bất cập, chi phí thị thực khá cao so với các nước trong khu vực.

Xem xét cho người quá cảnh tham quan du lịch miễn phí trong 48 giờ

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, đoàn Đồng Tháp đề nghị Ban soạn thảo xem xét tạo điều kiện cho người quá cảnh đủ điều kiện được ra ngoài khu vực quá cảnh mà không cần thị thực để tham quan du lịch trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là miễn phí trong 48 giờ và thu phí nếu vượt quá 48 giờ như đã được áp dụng rất thành công tại các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

“Nếu được điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần thu hút đáng kể một lượng khách quốc tế quá cảnh tại các sân bay, bến cảng và kết hợp tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển,” đại biểu Hải Anh phân tích.

ĐBQH: Nới thời gian cấp thị thực sẽ mở cánh cửa cho đầu tư, du lịch ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hải Anh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về việc Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân hiện nay là 25 nước, thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn thành phố Hà Nội đưa ra chính kiến nên quyết định mở rộng diện đơn phương miễn thị thực trong đợt này đồng thời với việc mở rộng danh sách cho áp dụng thị thực điện tử.

[Xem xét mở rộng các nước miễn thị thực vào VN để thúc đẩy du lịch]

Đánh giá cần thiết nâng thị thực lên tối thiểu 15 đến 60 ngày, vì nếu nâng lên 45 ngày là mức bình quân trong khu vực, đại biểu Lộc cho rằng mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta mà phải vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 hoặc đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực này.

Về vấn đề người nước ngoài khai báo tạm trú và thực hiện khai báo tạm trú, theo Đại biểu Vương Thị Hương, đoàn Hà Giang, thực tế hiện nay tại các địa phương có nhiều trường hợp người nước ngoài không nghỉ tại các cơ sở lưu trú cụ thể mà nghỉ tại các nơi công cộng. Đơn cử như tỉnh Hà Giang, người nước ngoài tới du lịch, họ ngủ tại các lều bạt hoặc các hang động.

Từ đó, đại biểu Hương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo có quy định cụ thể về việc khai báo tạm trú đối với người nước ngoài ngủ, nghỉ tại các nơi công cộng, tránh trường hợp bỏ sót, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp là tội phạm quốc tế truy nã của các nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến, đoàn An Giang đề nghị bổ sung thẩm quyền và trách nhiệm của lực lượng biên phòng trong tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tạm trú ở khu vực biên giới cửa khẩu để tránh chồng chéo với lực lượng công an.

Ngoài ra, nữ đại biểu này cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang nước khác chưa thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng nay lại nhập cảnh về Việt Nam bằng hộ chiếu của nước khác.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Ban soạn thảo sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua vào ngày 24/6/2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục