Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế.
Thảo luận về dự án luật, đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 để phù hợp với các quy định hiện hành, đặc biệt nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện với các luật khác.
Để đảm bảo sự chặt chẽ, phù hợp của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) góp ý về Khoản 4, Điều 17 quy định về hủy thầu. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Khoản 4, Điều 17 của dự thảo lại chưa quy định rõ về cơ chế đền bù chi phí như thế nào, các bên liên quan phải khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại trước pháp luật dân sự hay theo trình tự, thủ tục nào. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể hơn về vấn đề đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu trong các trường hợp trên.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ quan tâm tới tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế đang xảy ra hiện nay tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh công lập, do vướng mắc trong các quy định về mua sắm, đấu thầu.
Đại biểu cho rằng tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh công lập thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người bệnh nghèo đang tham gia bảo hiểm y tế.
“Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo tháo gỡ, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là do những vướng mắc, bất cập của các quy định trong công tác mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Do đó, cần sửa đổi các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, nghiên cứu có quy định phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế để đảm bảo cho nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân,” đại biểu chỉ rõ.
Cùng mối quan tâm với đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc trong dự thảo Luật, đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ và thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ thông qua hình thức đấu thầu.
[Dự thảo Luật Đấu thầu: Phải quy định rõ hành vi cản trở đấu thầu]
Theo đại biểu, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia hoặc hủy thầu. Đối với trường hợp này, cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân, nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện.
Bên cạnh đó, mục tiêu của việc đấu thầu là chọn được giá rẻ nhất, song cũng cần có giải pháp để vừa đảm bảo giá rẻ, vừa đảm bảo chất lượng, đặc biệt là trong đấu thầu thuốc.
Một giải pháp cho vấn đề này được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề xuất là bổ sung đánh giá của bác sỹ điều trị về thuốc đấu thầu, công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm trước Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng quy định về chọn giá kế hoạch cần căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau, bởi như vậy sẽ dẫn đến giá đấu thầu thuốc ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.
Góp ý nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nêu quan điểm về quy định về chỉ định thầu. Liên quan đến việc chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế đặc chủng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng mà trên thế giới chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất, chế tạo và bán thương mại trên thị trường.
Đồng thời, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị dự thảo luật cần có quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách như thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc; phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, tránh lúng túng trong xử lý như một số trường hợp xảy ra hiện nay./.