ĐBQH: Đánh giá đúng cơ cấu lãng phí để có giải pháp đột phá

Đại biểu Đỗ Hồng Hà cho rằng lãng phí vẫn đang tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, vì thế Chính phủ cần đánh giá mức độ nghiêm trọng và dự báo các năm tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đỗ Đức Hồng Hà. (Ảnh: Phương Hoa /TTXVN)
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đỗ Đức Hồng Hà. (Ảnh: Phương Hoa /TTXVN)

Từ vụ án bị can Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường) bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã quốc tế, đại biểu Đỗ Hồng Hà đề nghị Chính phủ cần đánh giá mức độ thực hành, chống lãng phí hiện nay đang ở mức độ nào, để sớm có hướng xử lý.

Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăm 2020, diễn ra sáng 26/7, đại biểu Đỗ Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết ông cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Tuy vậy, đại biểu Đỗ Hồng Hà cũng khẳng định hiện nay vấn đề lãng phí vẫn đang tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.

Vì thế, để hoàn thiện thêm, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung, làm rõ thêm tình hình và 2 hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta trong thời gian qua.

[Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Phó TGĐ Trần Ngọc Ánh lĩnh án 13 năm tù]

Cụ thể, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn thành phố Hà Nội cho rằng báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ cần đánh giá mức độ thực hành, chống lãng phí đang ở mức độ nào, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng; dự báo trong năm 2021 và các năm tiếp theo - với tình hình hiện nay sẽ nghiêm trọng thế nào, cả về thực trạng, cơ cấu, tính chất.

“Có đánh giá đúng thì mới có cơ sở tập trung nguồn lực và có phương án xử lý,” đại biểu Đỗ Hồng Hà nhấn mạnh.

Cùng với đó, đại biểu Đỗ Hồng Hà cũng đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo hai hạn chế. Thứ nhất là lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Từ lãng phí nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, lãng phí tài nguyên khoáng sản.

Với hạn chế này, Chính phủ cần đánh giá thêm cơ cấu lãng phí trong từng lĩnh vực để có giải pháp đặc thù, phù hợp và đột phá ngay trong từng lĩnh vực.

Hạn chế thứ hai là tỷ lệ thu hồi tài sản do thất thoát lãng phía chưa cao.

“Mặc dù báo cáo của Chính phủ có nêu ưu điểm là có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tôi cho rằng tuy là có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, kỳ vọng của nhân dân. Bởi lẽ theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020 được coi là năm thu hồi được tài sản tham nhũng, thất thoát, lãng phí cao nhưng cũng mới chỉ đạt 61%,” đại biểu Đỗ Hồng Hà chia sẻ.

ĐBQH: Đánh giá đúng cơ cấu lãng phí để có giải pháp đột phá ảnh 1Lực lượng cảnh sát khám cửa hàng điện thoại Nhật Cường tại số 33 phố Lý Quốc Sư. (Nguồn: nld.com.vn)

Đặc biệt, theo đại biểu Đỗ Hồng Hà, thời gian qua, đối tượng phạm tôi gây thất thoát tài sản của nhà nước, bỏ trốn, thậm chí bỏ trốn ra nước ngoài còn nhiều.

Dẫn vụ án bị can Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã quốc tế, đại biểu Đỗ Hồng Hà cho rằng người phạm tội bỏ trốn, trước hết là gây khó khăn cho việc giải quyết các vụ án.

“Việc người phạm tội không bị trường trị sẽ không răn đe được người khác. Vì vậy tài sản thất thoát do phạm tội không được thu hồi,” đại biểu Đỗ Hồng Hà nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ cần bổ sung các hạn chế nêu trên vào báo cáo.

Trước đó, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đã trực tiếp và chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm (gồm các loại điện thoại di động, máy tính, máy nghe nhạc, đồng hồ thông minh…) có tổng giá trị thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Sau đó, Bùi Quang Huy đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ, giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu tổng số 52.811 sản phẩm, tổng trị giá hơn 307 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục