ĐBQH: Cần gỡ khó hiệu quả hơn nữa để trở lại nhịp sống trước đại dịch

Theo đại biểu QH, Chính phủ cần khẩn trương có những biện pháp hiệu quả hơn nữa trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhóm đối tượng lao động yếu thế, doanh nghiệp, giúp nhân dân sớm ổn định sau dịch.
ĐBQH: Cần gỡ khó hiệu quả hơn nữa để trở lại nhịp sống trước đại dịch ảnh 1Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may Tiên Hưng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Để nhân dân, nhất là người lao động yếu thế và người sử dụng lao động trở lại với nhịp sống trước đại dịch, Quốc hội, Chính phủ cần triển khai thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn hiệu quả hơn nữa là ý kiến bên lề Kỳ họp thứ 3 của nhiều đại biểu Quốc hội vào sáng 1/6 khi thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước.

Cho rằng đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) nhấn mạnh trước bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, kế hoạch để tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động- những đối tượng chịu tác động mạnh và tác động trực tiếp bởi đại dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số nhiệm vụ triển khai còn chậm so với yêu cầu thực tế.

“Tôi cho rằng, chúng ta cần phải khẩn trương có những biện pháp hiệu quả hơn nữa trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhóm đối tượng lao động yếu thế, thậm chí cả với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Phải có những biện pháp để khắc phục khó khăn, giúp nhân dân sớm ổn định và quay trở lại nhịp sống như trước khi có đại dịch COVID-19” - đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng nhiều chỉ tiêu quan trọng trong năm 2021 đạt và vượt kế hoạch đề ra, song nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển.

[Từng bước tháo gỡ khó khăn, chắp cánh cho nền kinh tế phát triển]

Thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, năng suất lao động còn thấp, thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều. Do vậy, để nâng cao thu nhập của người nông dân, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình, thì ngoài các yếu tố hỗ trợ về khoa học, giống, vật tư nông nghiệp… thì đòi hỏi phải có sự đổi mới và đột phá trong việc liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Để ổn định nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân - đại biểu Nguyễn Thành Nam trao đổi.

Ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân nên thu ngân sách Nhà nước năm 2021 tăng 16,8%, nợ Chính phủ và nợ công trong tầm kiểm soát, thấp hơn mục tiêu đề ra. Đặc biệt, những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực của những tháng đầu năm 2022 với những con số đã nêu trong báo cáo rất ấn tượng.

Tuy nhiên, hơn 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, nền kinh tế bị suy giảm, kéo theo những ảnh hưởng từ biến động trên thế giới, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng cũng đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là đối với ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về thuế mà các chương trình mong muốn mang lại.

Trước kỳ họp Quốc hội 3 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.

Nghị định đã thực hiện hóa việc giảm lãi suất 2% nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng; các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Tuy nhiên, Nghị định ban hành đến nay vẫn tương đối chậm. Vì vậy, quá trình thực hiện đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành phối hợp điều hành không chỉ linh hoạt, quyết liệt mà phải kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại đã đạt hạng mức tín dụng triển khai nhanh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân vay - đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục