ĐB Quốc hội: Đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng suất lao động

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng quá trình cơ cấu giai đoạn tới gặp nhiều thác thức do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường nên không chỉ thích ứng với bến đổi khí hậu mà còn thích ứng với dịch.
ĐB Quốc hội: Đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng suất lao động ảnh 1Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vào sáng ngày 30/10. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thảo luận trực tuyến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vào sáng 30/10, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung nhiều hơn các giải pháp cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức đề kháng của cộng đồng doanh nghiệp, chủ động thích ứng và ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của đại dịch.

Cơ cấu lại để đảm bảo kinh tế vĩ mô

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) quá trình cơ cấu lại kinh tế Việt Nam được thực hiện nhiều năm, đặc biệt khi bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2008-2009. Khi đó, kinh tế nước ta đã bị suy giảm và lạm phát rất cao. Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết liên quan tới quá trình tái cơ cấu.

“Trong bối cảnh đại dịch gây tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế trong nước và thế giới, việc cơ cấu lại nền kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình cơ cấu giai đoạn tới gặp nhiều thách thức do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nên không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng với dịch,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

[Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 để không lỡ nhịp với thế giới]

Khẳng định nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, nằm trong tốp cao của thế giới nên sẽ bị tác động nhiều chiều, song đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cảnh báo việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu làm giá cả leo thang, lạm phát thế giới bùng lên, trong đó có giá xăng dầu, từ đó có thể tác động đến lạm phát ở Việt Nam.

Đặc biệt, đại biểu Ngân cũng lo ngại các chi phí, dự toán trong kế hoạch đầu tư của nước ta có thể thay đổi. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, theo đại biểu, việc giải ngân đầu tư công vẫn còn một số “điểm tắc nghẽn” cần rà soát để giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Vì thế, ông kiến nghị Chính phủ cần duy trì tổ hỗ trợ phản ứng nhanh giúp các tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến phân bổ vốn đầu tư, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phân bổ vốn linh hoạt hơn cho liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cùng với đó nên mạnh dạn giao cho đại diện chủ doanh nghiệp quyết định thoái vốn, thời điểm thoái vốn.

Đồng tình với việc tái cơ cấu nền kinh tế như đề xuất đưa ra, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) kiến nghị bổ sung cơ cấu GDP theo ngành kinh tế phản ánh sự chuyển dịch kinh tế; cơ cấu lại cơ cấu thu chi từng nội dung để tăng thu và giảm bội chi ngân sách; xác định nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên tập trung nguồn lực làm trước.

Chú trọng liên kết vùng, nâng cao năng suất lao động

Trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra quan điểm: Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá….

Song để tạo ra những đột phá, tận dụng được mọi nguồn lực của xã hội để phát triển kinh tế-xã hội trong gian đoạn tiếp theo, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng cơ cấu nền kinh tế cần tập trung vào hiệu quả đầu tư công trong liên kết vùng.

ĐB Quốc hội: Đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng suất lao động ảnh 2Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng phát triển nền kinh tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phân tích thêm, đại biểu Cảnh cho rằng vừa qua, nhiều tỉnh, thành đầu tư dàn trải dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên đầu tư công liên kết vùng và hàng năm có đánh giá về hiệu quả đầu tư của mỗi địa phương tập trung vào từng lĩnh vực, ngành nghề.

Cơ bản nhất trí báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cũng đồng tình với giải pháp cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị.

Theo đại biểu, kế hoạch đặt ra yêu cầu liên kết vùng, liên kết đô thị nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, song trong kế hoạch vẫn chưa đề cập cụ thể đến vùng kinh tế Trung du miền Bắc mà tập trung nhiều hơn cho khu vực trung tâm và đô thị, do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội với ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

“Những giải pháp đó có thể là khai thác lợi thế so sánh, thế mạnh của từng vùng, hợp tác liên kết vùng, xây dựng đô thị làm hạt nhân phát triển, bố trí lại dân cư, hình thành chuỗi giá trị kinh tế…,” đại biểu Yên nói.

Nhấn mạnh phát triển thị trường lao động gắn với chuyển đổi số, trong đó tài nguyên con người là cốt lõi, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên-Huế) cho biết năm 2019-2020, quy mô lao động tăng nhưng tốc độ giảm dần chủ yếu do tác động già hóa dân số. Ba năm trở lại đây, tỷ lệ lao động giảm, đã đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế-xã hội, cho thời kỳ tới đặc biệt là nâng cao năng suất lao động, việc làm đảm bảo an sinh xã hội.

Vì thế, để đảm bảo người lao động là chủ thể, bà Sửu bày tỏ quan điểm Chính phủ phải đổi mới hướng đào tạo, nhanh chóng chuyển đổi năng suất từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn sang thành thị.

Đại biểu đặt vấn đề phải quản trị nguồn lao động như thế nào, nhất là qua bài học từ đại dịch COVID-19, cần đưa ra những vấn đề và rút ra bài học kinh nghiệm để bổ sung vào kế hoạch nhằm định hướng thị trường lao động chủ động hơn, ứng phó với các tác động khác trong tương lai.

Muốn làm được điều này, đại biểu nhấn mạnh phương pháp tiếp cận của cơ quan Nhà nước cần có sự điều chỉnh, cụ thể là có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt hơn; phát triển và cơ cấu lại thị trường lao động cần thay đổi về chất thực sự để khắc phục được những hạn chế của thị trường lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục