Theo số liệu từ Ban công tác cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, hiện có khoảng 80.000 người Việt đang sinh sống trên lãnh thổ Liên bang Nga, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Moskva, St.Petersburg, Yekaterinburg, Ufa, Ulyanovsk... và phần lớn sinh sống bằng nghề bán buôn ở chợ.
Trong thời gian làm phóng viên thường trú TTXVN tại Liên bang Nga, khi đến thăm các thành phố lớn, nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở đây hầu hết đều hiểu biết tiếng Việt rất kém.
Qua trao đổi với các bậc phụ huynh, họ đều thể hiện sự tiếc nuối không tự giúp con học tiếng Việt tốt hơn. Giá như có lớp dạy tiếng thì tình hình đã khác chăng? Đảng và Nhà nước đâ có nghị quyết, chính sách dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, vậy tại sao thế hệ trẻ người Việt ở Liên bang Nga lại vẫn nằm trong tình trạng “khát con chữ” như vậy?
Trong “hành trình” đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, tôi may mắn tôi gặp được chị Phạm Thị Minh Thủy, người rất tâm huyết và dành nhiều thời gian, công sức cho việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở thành phố Moskva.
Mặc dù đang rất bận (vừa làm hướng dẫn viên du lịch, vừa dạy kèm tiếng Việt) nhưng khi chúng tôi đề nghị được gặp chị để trao đổi thì chị bảo bận đến mấy cũng phải thu xếp thời gian để đến tận văn phòng của TTXVN để “giãi bày” tâm sự vấn đề mà chị mang nặng bên mình suốt nhiều năm qua.
Chị kể năm 2006, chị sang Nga làm nghiên cứu sinh tại Đại học sư phạm Lenin. Ngoài thời gian học, chị hay đến các ốp (chung cư) nơi có đông người Việt sinh sống và điều khiến chị bất ngờ là bọn trẻ hầu như không nói được tiếng Việt.
Với tình yêu dành cho trẻ em cùng với chút kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài khi còn học ở Việt Nam, chị nghĩ cần phải làm một điều gì đó giúp ích cho cộng đồng.
Chị lặn lội gõ cửa từng nhà ở khu vực lân cận và lập danh sách những trẻ nhỏ cần phải học tiếng Việt. Sau khi có danh sách trong tay, chị lại chạy vạy khắp nơi “xin” địa điểm để mở lớp nhưng đáp lại chỉ nhận được lời khuyên “ý tưởng của em rất tốt nhưng hãy lo việc học trước đã.”
Bao nhiêu nhiệt huyết của tuổi trẻ bị “dội gáo nước lạnh” khiến chị cảm thấy chán nản và mất phương hướng. Nhưng lòng đam mê cứ sục sôi, thôi thúc không được bỏ cuộc nên chị tiếp tục hành trình gõ cửa các trường phổ thông của Nga đóng trên địa bàn.
Nỗ lực của chị cuối cùng cũng được đền đáp khi gặp được hiệu trưởng trường phổ thông 282, bà Irina Egorova. Được Ban giám hiệu nhà trường cho mượn địa điểm cùng với sự giúp đỡ tận tình của Hội phụ huynh học sinh trường 282, lớp tiếng Việt nhanh chóng được thành lập.
Nhìn bọn trẻ vui vẻ lũ lượt kéo nhau đến lớp học khiến lòng chị rưng rưng xúc động và tự nhủ với mình phải cố gắng hết mình giúp các cháu nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt, với quê hương, đất nước.
Để việc học tiếng Việt có hiệu quả hơn, Ban giám hiệu nhà trường còn dành một căn phòng rộng 65m2 để thành lập “Góc Việt Nam,” trong đó trang bị sách báo, tranh ảnh và trưng bày các hiện vật về văn hóa và lịch sử đất nước như những giáo cụ trực quan để dạy cho các em.
[Diễn đàn về giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Moskva]
Khi đó, việc dạy tiếng Việt tại trường phổ thông 282 nhận được rất nhiều lời khen ngợi, được đánh giá là mô hình mẫu, cần được nhân rộng trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga.
Thế nhưng, sau hơn hai năm dồn hết tâm huyết cho lớp học này, chị Phạm Thị Minh Thủy buộc phải nói lời chia tay với nhiều “lý do tế nhị” và một năm sau đó vào năm 2010, lớp học cũng chính thức bị giải tán.
Theo chị Thủy, nguyên nhân chính khiến lớp học không thể tồn tại do ra đời ở dạng tự phát, chứ không phải được một tổ chức, đoàn thể “chính danh” nào đấy đứng ra thành lập. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì khi có tổ chức đứng ra “cầm trịch” thì mọi hoạt động liên quan đến lớp học như tiền lương trả cho giáo viên hay kinh phí mua dụng cụ dạy học... đều có quy chế rõ ràng, không ai có thể nói khác được.
Hơn nữa, việc thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào phụ huynh học sinh. Các bậc làm cha, làm mẹ trước hết phải nhận thức được rằng việc học tiếng Việt của con em họ là rất cần thiết, để rồi từ đó, đồng hành cùng với giáo viên và nhà trường thì mới đạt được hiệu quả cao. Nếu không có sự hợp tác của các bậc phụ huynh thì mọi nỗ lực đều bất thành.
Ở Moskva còn có nhiều người tâm huyết và nặng lòng với việc dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ như chị Thủy, song nỗ lực của họ cũng chỉ mới dừng ở chỗ tự dạy cho con, cháu của mình, lớn hơn nữa là dạy kèm thêm cho một số cháu thân quen.
Đến nay, ở thủ đô Liên bang Nga, nơi có đông người Việt sinh sống nhất (chiếm 20% trong tổng số 80.000 người) vẫn chưa có lớp dạy tiếng Việt cho người Việt hoạt động chính thức. Tại thành phố lớn với nhiều điều kiện thuận lợi việc dạy tiếng Việt vẫn “gian nan, trắc trở” đến như vậy, thì ở các tỉnh/thành phố khác có lẽ cũng không kém phần gian truân.
Trong một lần đi đưa tin hoạt động của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân tại thành phố Ufa, thủ phủ nước Cộng hòa Bashkortostan, Liên bang Nga, tôi được chứng kiến cảnh tượng không biết nên buồn hay vui.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Hoàng Bình Quân có đến khu chợ người Việt, ân cần thăm hỏi bà con về công việc buôn bán, kinh doanh và cuộc sống. Khi đi qua một cửa hàng bán quần áo, nhìn thấy cháu bé (khoảng 10 tuổi) đang ở cùng bố mẹ, ông Hoàng Bình Quân dừng lại hỏi thăm: “Cháu bao nhiêu tuổi? Cháu học lớp mấy, có hay về Việt Nam không?...” Nhưng với nhiều câu hỏi được ra, cháu bé cũng chỉ mỉm cười.
Theo anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Bashkortostan, có lẽ một phần cháu bé e ngại, nhưng phần lớn lý do là do chưa nói được tiếng Việt tốt. Đây là thực trạng đáng buồn của thế hệ trẻ người Việt đang sinh sống tại Cộng hòa Bashkortostan.
Anh Tuấn cho biết thêm hiện cộng đồng người Việt ở đây đã giảm đi nhiều, nhưng cách đây khoảng 8 năm về trước số lượng người Việt lên tới khoảng 5.000 người. Khi đó, chúng tôi đã nhận thấy sự cần thiết phải tổ chức lớp dạy tiếng Việt để giúp các cháu có sợi dây gắn kết với quê cha, đất tổ.
Lớp tiếng Việt dành cho trẻ em được mở ra, mặc dù lớp học hoàn toàn miễn phí, song chỉ cũng tồn tại được khoảng 2 năm. Nguyên nhân chính do phụ huynh không có thời gian đưa đón các cháu đến lớp học.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì đặc thù công việc của phần lớn người Việt Nam trên toàn Liên bang Nga nói chung, và tại Cộng hòa Bashkortostan nói riêng chủ yếu buôn bán ở các chợ nên buộc phải đi sớm, về muộn. Không chỉ ở Moskva và Cộng hòa Bashkortostan mà tại một số tỉnh/thành phố khác trên toàn Liên bang Nga, nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Như vậy, việc giảng dạy tiếng Việt cho người Việt ở Liên bang Nga không đạt được kết quả mong muốn là tổng hòa nhiều nguyên nhân từ trách nhiệm của báo chí - truyền thông, cơ quan đại diện cho đến vai trò của phụ huynh học sinh.
Nếu tất cả các bên liên quan không có sự đồng lòng quyết tâm hành động thì hậu quả từ việc thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Liên bang Nga không biết tiếng Việt sẽ khá nặng nề./.