Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng trong thời kỳ mới

Dù năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao trong tổng công suất nguồn điện của Việt Nam nhưng nhiều ý kiến cho rằng quá trình chuyển dịch vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa được đẩy nhanh như kỳ vọng.
Nhà máy Điện gió Đông Hải I tại Trà Vinh, quy mô 25 trụ gió, tổng công suất 100MW, khánh thành ngày 16/1/2022. (Ảnh: TTXVN)

Chuyển dịch năng lượng là xu thế toàn cầu hiện nay và ở Việt Nam, việc này nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tuy vậy, dù năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao trong tổng công suất nguồn điện của Việt Nam nhưng nhiều ý kiến cho rằng quá trình chuyển dịch vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự được đẩy nhanh như kỳ vọng; đặc biệt là các chính sách cho phát triển những nguồn năng lượng mới.

Còn nhiều vướng mắc

Tại Việt Nam đã phát triển rất mạnh các nguồn điện tái tạo như điện Mặt Trời, đã và đang tiếp tục đầu tư vào điện gió, điện sinh khối..., với tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt gần 30% tổng công suất hệ thống điện. Đây là những nguồn năng lượng tái tạo thế mạnh của Việt Nam giúp thực hiện chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải CO2.

Bà Vũ Chi Mai, chuyên gia Chương trình hỗ trợ năng lượng - Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cho hay Việt Nam đang cùng lúc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, nguồn cung điện, vừa có giá thành hợp lý là điều không dễ.

[Cơ hội để Việt Nam hiện thực mục tiêu chuyển dịch năng lượng]

Cụ thể như bằng các cơ chế khuyến khích của mình, Việt Nam đã phát triển rất nhanh các nguồn điện mặt trời, điện gió, đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm tới gần 1/3 công suất đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, việc đưa lên lưới những loại hình năng lượng này còn hạn chế do hệ thống lưới điện truyền tải thường ở trong tình trạng đầy tải.

Ngoài ra, để phát huy được công suất khả dụng của nguồn điện sạch này, Việt Nam phải đầu tư thêm nhiều nguồn điện ổn định, có tính linh hoạt trong vận hành (như thuỷ điện tích năng) hay hệ thống lưu trữ cho các nhà máy điện Mặt Trời.

Một thách thức lớn nữa được chỉ ra là khi chuyển dịch năng lượng, việc thay thế các loại nhiên liệu truyền thống từ xăng dầu, than đá, khí đốt sang dùng điện là rất lớn.

Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 - một trong những dự án trọng điểm Quốc gia thuộc quy hoạch điện VII, được đưa vào vận hành 6/5/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về mặt tích cực sẽ giúp giảm phát thải ra môi trường, song điều này lại gây áp lực lớn lên ngành điện, cả ở quản lý vận hành cũng như phát triển đồng bộ hệ thống điện gắn với sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả...

Theo Bộ Công Thương, hệ thống điện Việt Nam có khoảng 78.000MW; trong đó năng lượng tái tạo đạt 21.000MW, chiếm gần 30%. Dù tỷ trọng được nâng lên rất nhiều song vẫn có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào các thời điểm nắng nóng.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay các loại hình năng lượng tái tạo khi thời tiết biến động, có thời điểm huy động được rất ít, như điện gió có thời điểm huy động chưa tới 1%, còn điện mặt trời chỉ huy động vào ban ngày.

Chưa kể các nguồn điện bổ sung cũng rất hạn chế đưa lên lưới vì công suất truyền tải của các đường dây bị hạn chế do giới hạn kỹ thuật.

Tại Ninh Thuận, vùng đất được coi là "thủ phủ" của nắng và gió, điện gió và điện mặt trời phát triển rất mạnh.

Có tới 18 nhà máy điện năng lượng tái tạo với tổng công suất 1.900 MW đặt tại tỉnh này.

Đại diện Truyền tải Điện Ninh Thuận (Công ty Truyền tải điện 3) cho hay năng lượng tái tạo đưa lên rất lớn gây ra hiện tượng đầy, quá tải đường dây, khiến cho đơn vị truyền tải gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành.

Nhiều vị trí cũng thường xuyên rơi vào tình trạng phát nhiệt cao, phải xử lý để đảm bảo an toàn...

Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 kiểm tra thiết bị Trạm biến áp 220kV Xuân Mai. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, cũng nhận định Việt Nam đang chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ với sự tham gia nhanh chóng của điện gió, điện mặt trời, song đây là những nguồn bất định.

Các loại hình này có những đặc tính về mùa, vùng miền và tác động của thời tiết…, không phải lúc nào cũng sẵn sàng để phát điện.

Nhưng ngược lại, khi tỷ trọng đưa lên tăng cao, sẽ đặt ra thách thức cho các nhà quản lý, vận hành hệ thống điện, đường dây.

Do vậy, để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng sang các dạng năng lượng xanh, sạch hơn, cần xây dựng công cụ dự báo để cân đối nhu cầu và khả năng phát của nguồn điện năng lượng tái tạo.

Khai thác tối đa điện sạch

Hiện nay, trong các Chiến lược phát triển điện lực quốc gia (các Quy hoạch điện), việc định hướng phát triển ở các loại hình năng lượng với tỷ lệ bao nhiêu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra sao cũng đã được tính đến với các mục tiêu ngày càng cao hơn để giảm phát thải.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu không có các tính toán kỹ lưỡng về việc chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang dùng điện của rất nhiều ngành (như giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng...) trong cả ngắn và dài hạn thì nguy cơ thiếu điện là rất lớn, chưa kể quá trình chuyển đổi năng lượng cũng sẽ không đạt tiến độ như kỳ vọng.

Theo nhận định của ông Sean Lawlor, chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, điện gió, điện Mặt Trời không phải là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng.

Nhưng cần khai thác tối đa, hợp lý các nguồn điện tái tạo này; cùng đó, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch dùng than sang điện khí LNG, biomass, amoniac hoặc hydrogen khi công nghệ đã được kiểm chứng, thương mại hóa...

Việc này sẽ giúp đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (Netzero) vào năm 2050.

Một giải pháp khác cũng được nhiều ý kiến đề cập là phát triển điện gió ngoài khơi. Quy hoạch điện VIII tới đây dự thảo sẽ ưu tiên phát triển 7GW điện gió ngoài khơi, nhưng đến nay các cơ chế, chính sách cụ thể để đạt mục tiêu này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị phát triển các dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), chia sẻ, các quốc gia và nhà cung cấp trên thế giới hiện đang đặt mục tiêu cho chuỗi cung ứng xanh và năng lượng xanh.

Nhiều bên đã có cam kết mạnh mẽ để thực hiện điều này, do đó Việt Nam phải chuyển đổi để duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu chính ở Đông Nam Á.

"Phải thừa nhận rằng Việt Nam đang chậm hơn một chút so với nhiều quốc gia khác, nơi quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra thuận lợi và việc này cần có sự hỗ trợ từ các giải pháp, cơ sở hạ tầng phù hợp và nguồn nhân lực lành nghề. Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để đạt được điều này nếu Việt Nam có thể thực hiện các cải cách cần thiết và đưa ra các quyết định quan trọng kịp thời để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi này được thực hiện thuận lợi và tránh bỏ lỡ các mốc quan trọng. Hiện tại, do chưa có khung pháp lý cần thiết cho ngành công nghiệp mới này và thiếu sự linh hoạt trong chuyển đổi ngành năng lượng nên về cơ bản là chưa thể thực hiện dự án điện gió ngoài khơi thương mại ở Việt Nam để các siêu dự án ngoài khơi này có thể đem lại lợi ích to lớn cho đất nước," ông Stuart Livesey nói.

Theo Hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam hướng đến giảm phát thải đến năm 2050 bằng 0, không sử dụng carbon. Đây là một quyết tâm rất lớn của của Đảng, Chính phủ, do vậy vấn đề đầu tư của mảng năng lượng sạch sẽ đóng vai trò lớn.

Trước mắt, ngành điện cần hoàn thiện tốt hơn hệ thống lưới điện, điều độ hệ thống điện được nâng cao, sau đó các cơ chế chính sách liên quan, nhất là Quy hoạch Điện VIII sớm được phê duyệt để có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục