Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Công điện 366/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng và xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Công điện gửi Bộ Giao thông vận tải; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp-Viễn thông Quân đội.
Công điện nêu rõ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (dự án) là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Chính phủ đã thông qua mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án (gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86km) trong năm 2024, trong đó 4 dự án thành phần: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.
[Tháo gỡ vướng mắc ảnh hưởng tiến độ Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông]
Thời gian qua Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, các địa phương đã rất tích cực triển khai dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Mặc dù, tổng thể công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 99,99%, các cơ quan, đơn vị đang quyết tâm, nỗ lực tổ chức thi công, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp nền đường tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.
Công điện cũng nêu rõ các tồn tại tính đến ngày 15/4:
Về công tác giải phóng mặt bằng, đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu (tỉnh Nghệ An): phát sinh vướng mắc khu đất nghĩa trang Giáo xứ thuộc xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai và 12 vị trí cột điện cao thế chưa hoàn thành di dời.
Đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (tỉnh Nghệ An): còn 56m (4 hộ dân huyện Hưng Nguyên) chưa thực hiện các thủ tục bồi thường, khoảng 2.725m đã bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng (huyện Diễn Châu còn 35m qua khu nghĩa trang xóm Tây Thọ, xã Diễn Thọ và 800m rừng phòng hộ xã Diễn Phú; huyện Hưng Nguyên còn 100m qua khu nghĩa trang xóm Đại Huệ, xã Hưng Tây và 1.790m qua 11 khu dân cư).
Ngoài ra, còn 30 vị trí đường điện chưa hoàn thành di dời (gồm 3 vị trí điện cao thế, 12 vị trí điện trung thế và 15 vị trí điện hạ thế).
Đoạn Cam Lộ-La Sơn: hiện còn 1 vị trí đường điện 220KV và phần mặt bằng của một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật thuộc tỉnh Quảng Trị và 13 vị trí đường điện cao thế chưa di dời và phần mặt bằng của một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đoạn Nha Trang-Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa): hiện còn khoảng 1,0km (10 hộ dân và vật liệu đá tập kết của 2 mỏ đá Hóa An 1, Phước Thành chưa di dời), 8 vị trí cột điện cao thế, 36 vị trí cột điện trung thế, 18 vị trí cột điện hạ thế.
Đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo: hiện còn 1 vị trí cột điện trung thế và 50m cáp viễn thông chưa di dời thuộc tỉnh Khánh Hòa; khoảng 400m đường ống nước thuộc tỉnh Ninh Thuận. Đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận): hiện còn 17 vị trí cột điện cao thế 220kV-500kV.
Đoạn Phan Thiết-Dầu Giây: hiện còn 1 vị trí cột điện 500kV, 10 cột điện hạ thế, 41 cột viễn thông nằm trên tuyến nối cao tốc với Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai hiện còn 1 đường điện 220kV, 1 đường điện 500kV chưa được nâng cao tĩnh không, 14 vị trí cột điện trung thế và 8.020m đường ống nước chưa di dời.
Cầu Mỹ Thuận 2 (tỉnh Tiền Giang): hiện còn 3 vị trí cột điện cao thế chưa hoàn thành di dời.
Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, còn thiếu 4,1 triệu m3 chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy phép khai thác: Đoạn Mai Sơn-QL45 (tỉnh Ninh Bình) thiếu khoảng 0,4 triệu m3; đoạn Nha Trang-Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) thiếu khoảng 0,8 triệu m3; đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo (tỉnh Ninh Thuận) thiếu khoảng 2,0 triệu m3; đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thiếu khoảng 0,9 triệu m3.
Còn 3 mỏ đất với tổng trữ lượng 1,34 triệu m3 tại tỉnh Bình Thuận thuộc đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết đã được cấp phép nhưng chưa được khai thác do đang hoàn tất các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất...
Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành dự án, đặc biệt là 4 dự án thành phần hoàn thành năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quyết tâm, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ sau:
Khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng nêu trên để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trong tháng 4 năm 2022.
Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật để hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng nêu trên.
Chủ động xử lý các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân tỉnh và địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu còn lại theo quy định đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án; rút ngắn các thủ tục hành chính trong thuê đất, nộp phí, lệ phí.
Riêng đối với địa bàn tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bình Thuận cần hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về vật liệu đất đắp nền đường cung cấp cho đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 và đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết hoàn thành trong tháng 4 năm 2022.
Vận động người dân tạo điều kiện cho nhà thầu có thể khai thác vật liệu đất từng phần ngay sau khi thực hiện bồi thường các loại nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu,... (không phải chờ đến khi hoàn thành bồi thường toàn bộ diện tích mỏ mới được khai thác).
Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng; công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu xây dựng cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá vật liệu xây dựng tại khu vực xây dựng dự án.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án và các Nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm tiến độ hoàn thành nêu trên; chủ động rà soát các tồn tại, vướng mắc phát sinh về giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu cung cấp cho từng dự án, kịp thời làm việc với các địa phương để giải quyết, tháo gỡ.
Các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp-Viễn thông Quân đội khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, đường cáp viễn thông thuộc phạm vi quản lý, đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại bảo đảm tiến độ hoàn thành bàn giao mặt bằng.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm bàn giao mặt bằng và hoàn thành xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án./.