Đẩy mạnh xuất khẩu: Không xem nhẹ thị trường tiềm năng

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 10% vào năm 2014, các thị trường nhỏ và tiềm năng sẽ là đòn bẩy.

Bất chấp những khó khăn về thị trường và sức mua sụt giảm, xuất khẩu năm 2013 vẫn đạt con số ấn tượng nhất từ trước đến nay với kim ngạch đạt 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm 2013 Việt Nam chính thức xuất siêu ở mức 863 triệu USD và cũng là năm thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập WTO (năm 2007), Việt Nam đạt thặng dư thương mại.

“Tuy nhiên, để tăng trưởng xuất khẩu 10% vào năm 2014 thì các thị trường nhỏ và tiềm năng cần được đẩy mạnh,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Để làm rõ hơn về bức tranh xuất nhập khẩu năm 2013 cũng như mục tiêu và thách thức trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

- Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013?

Năm 2013, hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả rất tích cực. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đều vượt mức kế hoạch đề ra, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 132,17 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD.

Năm 2013, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó nhóm công nghiệp chế biến chiếm tới 16 mặt hàng, còn lại 5 mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thuỷ sản.

Đáng chú ý, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản các nước ASEAN, Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như: Châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh.

Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, tỷ trọng hàng đã qua chế biến, cơ khí chế tạo đã tăng lên và hàng xuất khẩu thô giảm đi. Theo phân tích thì khoảng chừng 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc nhóm hàng đã qua chế biến và hàng có hàm lượng giá trị tương đối cao, còn lại chỉ có hơn 20% là hàng xuất khẩu thô, hơn 20% hàng trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Thưa Bộ trưởng, những mục tiêu cụ thể năm 2014 đối với ngành công thương là gì và bộ có giải pháp gì để mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới?

Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2014 tăng trưởng 10% so với năm 2013, Bộ Công Thương sẽ định hướng phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó cần tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... Trong đó, cần tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này.

Thời gian qua, công tác Xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia lâu nay chỉ mới tập trung vào việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong hoạt động hội chợ, tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm, tổ chức hội thảo. Cứ có cuộc hội chợ, triển lãm nào được mời thì chúng ta tham gia và đó cũng là điều hạn chế.

Vì vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm kiếm thị trường, chủ động tham gia, giới thiệu những mặt hàng mà mình có để người ta tham khảo và nghiên cứu. Đặc biệt là không nên xem nhẹ các thị trường tiềm năng. Nếu nhiều thị trường nhỏ cộng lại thì sẽ có ý nghĩa quan trọng không kém gì các thị trường lớn.

- Với các Hiệp định thương mại đã ký, ngành công thương có những giải pháp gì thưa bộ trưởng?

Hiện nay Việt Nam đang tận dụng rất hiệu quả những cơ hội đến từ WTO. Ta đã thực hiện tương đối thành công Hiệp định Thương mại tự do ASEAN AFTA, đang khai thác những lợi thế, ưu đãi đã ký song phương và đa phương như ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Newzealand, Australia… nhưng những việc ta làm vừa rồi chưa đủ và chưa bao quát hết những thị trường có tiềm năng.

Chính vì vậy theo sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành công thương được chủ trì tiếp tục đàm phán một số hiệp định thương mại tự do khác như TPP; Hiệp định với liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan; Hiệp định Việt Nam-EU; Việt Nam-Hàn Quốc và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Phần lớn những hiệp định này được kỳ vọng sẽ hoàn thiện và được ký kết trong năm 2014. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam tận dụng để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy vậy, những thách thức khi tham gia các Hiệp định thương mại cũng không hề nhỏ. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp. Thực tế trên đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt và nghiên cứu kỹ các nội dung đã được ký kết để tận dụng những ưu đãi mà Hiệp định mang lại.

Trong tương lai, Việt Nam đang chuẩn bị đàm phán thêm nhiều hiệp định với các đối tác, mà lớn nhất là TPP. Vậy để đón đầu cơ hội từ các Hiệp định thương mại đó thì ngành công thương đã chuẩn bị ra sao?

Đúng như vậy, khi nói về những ưu đãi do TPP mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực mở rộng thị trường hàng hóa, có dệt may, da giày và công nghiệp chế biến là những ngành ta có lợi thế và ta rất muốn có tăng trưởng hơn nữa.

Tuy nhiên nếu ta chuẩn bị chưa kỹ, nếu doanh nghiệp chưa chủ động, chưa có biện pháp phù hợp, doanh nghiệp chủ quan thì những lợi thế mà Hiệp định mang lại cho Việt Nam thì lợi thế đạt được sẽ chuyển sang cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam tận dụng được. Như vậy đây không phải là điều ta mong muốn đạt được khi đặt vấn đề đàm phán TPP.

Điều đáng nói là khi đặt vấn đề đàm phán TPP, ta muốn rằng các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp 100% vốn trong nước và cả doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều được thụ hưởng những ưu đãi này. Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, mời doanh nghiệp tham gia vào các phiên đàm phán cũng như lấy ý kiến doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng phải chủ động tích cực, để khi các Hiệp định thương mại được ký kết có thể tận dụng được ngay.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi đầu từ tháng 3/2010. Theo dự kiến, 12 nước tham gia đàm phán TPP bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ ký hiệp định vào năm 2014.

Khi tham gia Hiệp định này, các quốc gia sẽ được hưởng lợi khi thuế suất của hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 10 năm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục