Ngày 1/6 vừa qua tại thị trấn Sông Cầu (Huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã diễn ra Hội thảo Phát triển Thương hiệu Chè Sông Cầu. Hội thảo do Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo FTU (Đại học Ngoại thương) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị trấn Sông Cầu, Công ty IPCom Việt Nam và Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ trường đại học Ngoại thương tổ chức.
Hội thảo được diễn ra với kỳ vọng thay đổi cơ bản diện mạo vùng đất và phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương từ cây chè, nâng cao thu nhập cho người nông dân và sản xuất theo hướng an toàn phát triển bền vững, đồng thời giúp các bên tham gia có thêm kiến thức về việc phát triển thương hiệu chè Thịnh An (tên thương hiệu chè của thị trấn Sông Cầu) gắn với tài sản trí tuệ địa phương, kiểm soát chất lượng sản phẩm để đảm bảo danh tiếng phục vụ cho việc phát triển thương hiệu bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như việc quảng bá thương hiệu chè Thịnh An của thị trấn Sông Cầu như tình hình sản xuất và định hướng phát triển chè trên địa bàn; công tác đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu chè Thịnh An và một số giải pháp phát triển thương hiệu chè xanh trong thời gian tới,...
Hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia và người nông dân được trao đổi, đóng góp ý kiến, đánh giá đúng thực trạng tình hình sản xuất, chế biến chè, tiêu thụ chất lượng chè Sông Cầu, đồng thời đề xuất giải pháp đồng bộ, toàn diện và khả thi nhằm phát triển thương hiệu, khôi phục và nâng cao uy tín sản phẩm chè xanh trong thời gian tới.
[Tìm giải pháp để xây dựng thương hiệu chè đặc sản Việt Nam]
Hội thảo nằm trong chương trình Green Innovation Tour - Hành trình Sáng tạo Xanh. Đây là hoạt động cộng đồng với mục tiêu liên kết các bên (chính quyền, nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư, đơn vị sản xuất) nhằm phát triển thương hiệu bền vững, đặc biệt là thương hiệu dành cho các đặc sản vùng miền. GI Tour còn là cơ hội gắn kết giữa chuyên gia - doanh nghiệp đầu tư (doanh nghiệp đồng hành) - cơ quan quản lý - sinh viên (thế hệ trẻ).
Một số hình ảnh tại chương trình:
Thị trấn Sông Cầu được quy hoạch 50ha diện tích chè trồng theo quy trình VietGAP trong khuôn khổ Dự án Khuyến nông Trung ương 'Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)