Đẩy mạnh việc thu gom rác, làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long

Trong đợt cao điểm về thu gom, xử lý phao xốp trên Vịnh Hạ Long từ ngày 24/3-28/4, Ban Quản lý đã huy động trên 1.600 lượt phương tiện và hơn 3.500 lượt nhân lực tổ chức vớt phao xốp.
Nhân viên vớt rác trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng với đơn vị thu gom rác thải trên Vịnh đã đẩy mạnh việc thu gom rác.

Tuy nhiên, do lượng rác trôi nổi trên Vịnh khá lớn, các đơn vị không thể thu gom triệt để, gây ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường.

Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, năm 2023, Vịnh xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường do phao xốp phát tán từ hoạt động tháo dỡ, di dời lồng, bè nuôi hải sản trái phép từ các địa phương.

Trước thực trạng đó, Ban Quản lý đã huy động mọi nguồn lực, đề nghị nhiều đơn vị hỗ trợ để khẩn trương khắc phục sự cố.

Trong đợt cao điểm về thu gom, xử lý phao xốp trên Vịnh Hạ Long từ ngày 24/3-28/4, Ban Quản lý đã huy động trên 1.600 lượt phương tiện và hơn 3.500 lượt nhân lực tổ chức vớt phao xốp.

Đến nay, đơn vị thường xuyên huy động thêm lực lượng, phương tiện cùng các nhà thầu thu gom rác trên Vịnh.

Một điểm thu gom, tập kết rác trên Vịnh chờ đưa về bờ xử lý. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Ban Quản lý tiếp tục theo dõi, giám sát công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tại các khu vực nuôi hải sản được quy hoạch và các công trình nổi được cấp phép tại khu vực Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường (tỷ lệ thay thế đến nay đạt khoảng 94%).

Theo ông Lê Minh Tân, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, nguồn rác thải đưa ra Vịnh bao gồm từ các dòng sông, suối, các cây và rác thải trong rừng, rác thải ven bờ, rác thải của cây cối trên núi đá rơi xuống biển, đặc biệt là nguồn rác thải của người dân khi nuôi hải sản, đánh bắt hải sản đã gây khó khăn cho việc xử lý. Hiện, việc xử lý rác thải trong vùng lõi được giao cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.

Đơn vị đã thuê Công ty Cổ phần Cây xanh công trình Quảng Ninh thu gom.

Đối với vùng ven bờ, thành phố Hạ Long và các huyện, thị xã, Ban Quản lý xử lý nguồn rác thải ven bờ.

Về lâu dài, theo ông Lê Minh Tân, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát nguồn phát thải. Do đó, Ban Quản lý phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu chặn rác ngay từ nguồn để không trôi nổi ra ngoài Vịnh.

Theo một số tàu du lịch hoạt động trên Vịnh, du khách thấy khó chịu khi trên mặt biển xuất hiện nhiều rác trôi nổi, đặc biệt là khách nước ngoài.

Họ mong muốn việc thu gom rác được triệt để, trả lại màu xanh cho nước biển, tránh ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thực hiện 19 đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường. Qua đó cho thấy khu vực ven bờ cơ bản đã được các đơn vị chức năng thành phố Hạ Long tăng cường ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác thải.

Tuy nhiên, một số điểm vẫn còn rác thải, túi nylon, phao xốp. Đặc biệt tại một số điểm tham quan trên Vịnh như: Đảo Ti Tốp, Mê Cung, hang Luồn, Soi Sim, tình trạng rác trôi nổi trên mặt nước khá nhiều.

Rác ở đây chủ yếu là phao xốp, vỏ chai nhựa, túi nylon, củi, lá cây...

Chị Dương Thị Liên, nhân viên Công ty Cổ phần Cây xanh công trình Quảng Ninh, cho biết một ngày chị vớt 4-5 tàu rác, mỗi tàu khoảng 3-4m3 rác.

Các nhân viên vớt rác đều tranh thủ làm liên tục không có thời gian nghỉ ngơi vì lượng rác nhiều.

Sắp bước vào mùa du lịch, do đó, các nhân viên của Công ty phải làm sạch Vịnh để không ảnh hưởng đến môi trường và du khách.

Thời điểm này trời ít gió, lượng rác trôi dạt trên biển rất nhiều. Thường ngày sẽ có 12 tàu thường xuyên vớt rác trên Vịnh.

Tuy nhiên, do lượng rác lớn, đơn vị thu gom đã phải huy động và thuê thêm tàu vớt rác. Cao điểm có gần 20 tàu tham gia vớt rác trên Vịnh.

Hiện nay, việc thu gom rác thải trên Vịnh vẫn mang tính thủ công, dùng vợt để vớt rác bỏ lên tàu rồi đưa về điểm tập kết. Do đó, các đơn vị cần có sự đầu tư trang thiết bị, phương tiện để việc xử lý rác hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục