Đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong chống dịch, tăng năng lực cạnh tranh

Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch và điều trị bệnh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong chống dịch, tăng năng lực cạnh tranh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong 8 tháng năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép,” ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ tạo ra thay đổi đột phá về năng suất, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh; khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả ứng dụng, phát triển trí tuệ nhân tạo trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết thời gian qua, Bộ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ để thúc đẩy chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, phát huy hiệu quả đầu tư đối với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030; phát triển toàn diện và bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, huy động đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thúc đẩy hợp tác công-tư trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

[Phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo]

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kịp thời tổ chức các buổi làm việc với các nhà khoa học đầu ngành và doanh nghiệp để cập nhật, trao đổi, đề xuất các công nghệ xét nghiệm các chủng virus SARS-CoV-2 mới cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vaccine, đặc biệt hiện nay, vaccine Nanocovax đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thông qua, đang chờ cấp phép... để phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch và hỗ trợ điều trị như phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế...

Đồng thời, tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19; huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu kịp thời tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ…

Tổ đã thực hiện việc phân tích thông tin dữ liệu lớn kết hợp dịch tễ học và thực tiễn xã hội để cung cấp kịp thời cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, đã triển khai miễn phí ứng dụng Microsoft Teams - nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến và tương tác trực tuyến trong lĩnh vực y tế và giáo dục trên diện rộng.

Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác, ứng dụng, chuyển giao công nghệ: cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như: máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…; lĩnh vực về quản lý rủi ro thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại địa chỉ: www.tcvn.gov.vn; tập trung ưu tiên cơ sở vật chất, nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế…

Các hoạt động đo lường, thử nghiệm, hỗ trợ Tập đoàn Vingroup sản xuất các máy thở không xâm nhập VFS-310 và máy thở xâm nhập VFS-510; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát, cắt giảm đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện cải thiện toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Tiếp tục triển khai các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai có hiệu quả Hiệp định FTA đã ký kết; Hiệp định TBT/WTO, Hiệp định CPTPP; EVFTA và các FTA khác. Tổ chức lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á-Thái Bình Dương 2019-2020.

Trong 8 tháng năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tăng cường giải quyết thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là thẩm định đơn sáng chế. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong chống dịch, tăng năng lực cạnh tranh ảnh 2Vải thiểu Lục Ngạn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Điển hình, Vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản từ ngày 12/3/2021, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở các thị trường khác.

Bộ đẩy mạnh triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý để sớm triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

Thời gian qua, Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ, cơ sở dữ liệu công bố khoa học của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tra cứu thông tin, kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu.

Việc triển khai Đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” làm cơ sở để tập trung xây dựng và phát triển các nguồn tin khoa học và công nghệ trong nước, tạo thành hệ tri thức cốt lõi của nền khoa học và công nghệ Việt Nam.

Cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ, các tổ chức trung gian liên tục được cập nhật phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về các tổ chức khoa học và công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục