Ngày 15/7, tại Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản và Hội nghề cá Việt Nam tổ chức Diễn đàn tôm Việt năm 2022 với chủ đề "Ứng dụng công nghệ trong phát triển tôm tại Việt Nam."
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết hội nghị nhằm truyền tải các chủ trương, định hướng mới về phát triển kinh tế nông nghiệp trong xu thế hội nhập Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), hỗ trợ các giải pháp công nghệ mới, giải quyết những khó khăn và thách thức đặt ra trong sản xuất hiện tại, giúp nông dân tổ chức lại mô hình nuôi tôm nhằm cắt giảm chi phí giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển ổn định bền vững.
Để đạt được hiệu quả cao nhất từ diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các đại biểu, khách mời tích cực trao đổi thẳng thắn, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ mới.
Ngoài ra, các đại biểu cần đặt nhiều câu hỏi tập trung vào các giải pháp ứng dụng công nghệ mới để nghề nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và bền vững đến Ban tổ chức và các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và các chuyên gia trong và ngoài nước để có giải pháp đúng nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành thủy sản trong bối cảnh hiện nay để qua đó góp phần cho thành công, tiến bộ chung của ngành tôm Việt Nam.
Theo ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, trong những năm qua, thị trường xuất khẩu của ngành tôm Việt Nam nói chung và của tỉnh Bạc Liêu nói riêng đang gặp nhiều khó khăn so với các nước trong khu vực. Giá tôm không ổn định, tình hình thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và nhất là đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp, rất lớn đến sản xuất sản xuất và người nuôi.
[Tôm vẫn là 'át chủ bài' của xuất khẩu thủy sản trong những năm tới]
Các cấp chính quyền đã đưa ra nhiều giải pháp từ công trình đến phi công trình để khắc phục, chống và thích ứng với tình hình khí hậu như hiện nay.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đã chủ động với nhiều giải pháp trình diễn, giới thiệu, chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ mới để người sản xuất được tiếp cận, ứng dụng. Điều này góp phần giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước chuyển từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phát triển kể cả về sản lượng và nâng cao giá trị con tôm.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc áp dụng công nghệ vào nuôi tôm thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng còn nhiều rủi ro nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia; chi phí đầu tư ban đầu lớn.
Mặt khác, quy mô nuôi của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; hệ thống cấp thoát nước, đường điện, giao thông tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ; nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận với khoa học công nghệ...
Ông Lê Tấn Cận mong muốn ở diễn đàn này, các đại biểu, đơn vị, doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực thủy sản; chia sẻ và cập nhật các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ứng dụng trong ngành tôm; kinh nghiệm để định hướng phát triển hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành tôm theo hướng tối ưu hóa lợi nhuận và bền vững.
Đồng thời, ông Lê Tấn Cận kiến nghị các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm lưu ý các ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại diễn đàn; từ đó, có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ, bộ, ngành trung ương về cơ chế, chính sách phù hợp để định hướng xây dựng phát triển ngành tôm ổn định và bền vững.
Thống kê từ Tổng cục Thủy sản cho thấy trong năm 2022, diện tích nuôi tôm ước đạt 750.000ha (tôm sú 625.000ha, tôm thẻ 125.000ha). Sản lượng tôm các loại khoảng 980.000 tấn; trong đó, tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD (dự kiến tăng 2,56% so với năm 2021).
Để đạt được các mục tiêu trên, Tổng cục Thủy sản cũng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Đặc biệt, quan trọng nhất là tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất để vừa phát triển sản xuất nuôi tôm, vừa ứng phó có hiệu quả với dịch COVID-19.
Cùng đó, xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện COVID-19, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc giữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất) để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm./.