Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Để tập trung nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp chủ chốt, góp phần tích cực hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chọn lọc và ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho công nghiệp ôtô; đóng tàu; cơ khí giao thông vận tải; máy động lực; máy và thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương và các doanh nghiệp cơ khí xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam theo hướng lựa chọn các sản phẩm cơ khí trọng điểm cụ thể trong giai đoạn 2014-2020, tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, trang thiết bị y tế, thiết bị điện và thiết bị đồng bộ, đảm bảo mục tiêu phát triển ngành cơ khí Việt Nam nhanh, ổn định và bền vững, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ việc sản xuất và khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm cơ khí trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc cổ phần hóa và tái cơ cấu các doanh nghiệp cơ khí có vốn nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường chỉ đạo triển khai, kiểm tra và đánh giá việc thực thi chính sách phát triển ngành cơ khí, đề xuất chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh công tác khuyến công; đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cơ khí.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách kích cầu đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm được quy định tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan; có biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam rà soát, đề xuất chính sách thuế nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm cần ưu tiên phát triển sản xuất phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế; tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính thuế, hải quan để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu thiết bị, vật tư sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí; ưu tiên bố trí nguồn vốn khoa học và công nghệ để hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm, làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhằm hạn chế các sản phẩm cơ khí giá rẻ, chất lượng thấp nhập khẩu vào Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ cho ngành máy nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến.
Bộ Xây dựng đào tạo, chuẩn bị lực lượng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cơ khí để sẵn sàng tham gia nhiệm vụ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào thực trạng và điều kiện phát triển ngành cơ khí trên địa bàn để xây dựng Quy hoạch phát triển ngành cơ khí cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; đề xuất, xây dựng cơ chế đặc thù riêng phù hợp với địa phương để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cơ khí và đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí trên địa bàn.
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Tổng hội Cơ khí Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đề xuất cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí Việt Nam; hướng dẫn và điều phối các doanh nghiệp thành viên tăng cường sự hợp tác, liên kết, tạo sự chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp cơ khí tập trung hoàn thành đầu tư các dự án sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt; tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành cơ khí; tăng cường cải tiến công tác quản lý chi phí, giảm giá thành, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm đồng thời đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác đầu tư, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.../.