Đẩy mạnh tái cơ cấu, lấy doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo

Năm 2020, Bộ Khoa học-Công nghệ đẩy mạnh tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Sản xuất đèn Led tiết kiệm năng lượng của Công ty Kim Đỉnh tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội đất nước, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp do Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Cụ thể là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19…

Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ; xây dựng phương án cơ cấu lại các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tái cơ cấu và triển khai hiệu quả chương trình quốc gia

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia, phối hợp với các đơn vị liên quan công bố các công trình, giải pháp khoa học và công nghệ tiêu biểu, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiếp cận, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn; phát huy năng lực sáng tạo của người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Khoa học-Công nghệ đẩy mạnh tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia...

Các chương trình phát triển khoa học cơ bản được triển khai hiệu quả nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng, tạo tiền đề cho việc phát triển một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đa ngành, làm chủ các công nghệ tiên tiến, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống.

[Khoa học, công nghệ - Yếu tố then chốt để DN phát triển bền vững]

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thẩm định kinh phí để triển khai chương trình phát triển các khoa học cơ bản về hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển.

Đồng thời, Bộ đề xuất các chính sách, giải pháp về quản lý nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong ứng dụng khoa học và công nghệ vào bảo vệ môi trường, xử lý, thu gom rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa... thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp môi trường; hình thành tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ công tác đào tạo khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Cũng trong năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết 6 Chương trình phối hợp hoạt động với các địa phương Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Nam, Đồng Tháp, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; phê duyệt 43 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 106 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, bước đầu tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, nhiều nhiệm vụ được tài trợ nghiên cứu lớn, thu hút đông đảo các nhà khoa học tham gia, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản tại các tổ chức khoa học và công nghệ; tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi và phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung hướng dẫn triển khai cơ chế tự chủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, sắp xếp lại các tổ chức khoa học và công nghệ, tái cơ cấu lại các chương trình khoa học và công nghệ; xây dựng báo cáo kết quả thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập trình Thủ tướng Chính phủ; đến hết tháng 11/2020, đã có 406 tổ chức khoa học và công nghệ công lập phê duyệt phương án tự chủ.

Đồng thời, Bộ triển khai xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; thực hiện các quy định về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trình cấp có thẩm quyền dự thảo Đề án phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ theo tinh thần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện chính sách về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó triển khai thực hiện quy định về đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác đối với viên chức có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ; triển khai chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng; tổ chức vinh danh các nhà khoa học trong nước đã có những đóng góp xuất sắc cho ngành khoa học và công nghệ trong năm 2020.

Nhiều thành tựu nghiên cứu ngang tầm khu vực, thế giới

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận bản thảo bộ Lịch sử Việt Nam, với 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện lịch sử, đáp ứng yêu cầu về chất lượng khoa học, đang tiếp tục được sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện.

Mô hình trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Các bản thảo bộ Lịch sử Việt Nam có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc tái dựng lại tiến trình vận động và phát triển (chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, xã hội, khoa học, quân sự…) của dân tộc Việt Nam qua từng thời kỳ, được thực hiện trong 5 năm (2015-2020).

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (văn hóa Óc Eo Nam Bộ) góp phần phác họa bức tranh di tích Óc Eo với tính chất của một thành thị cổ vận hành bằng nền kinh tế nông nghiệp và thương nghiệp, có vai trò như một điểm hội tụ quan trọng trong thương mại biển ở Đông Nam Á vào đầu Công nguyên.

Đây là cơ sở khoa học cho công tác xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận vùng không gian Văn hóa Óc Eo Nam Bộ là Di sản văn hóa Thế giới.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp đã chọn tạo và công nhận 2 giống lúa chính thức cho sản xuất là Đông A1 và TBR279, sản xuất khoảng 20 hạt giống lúa các cấp, sản lượng đạt được 170,4 tấn hạt giống lúa siêu nguyên chủng; 2.702 tấn hạt giống lúa nguyên chủng và 57.850 tấn hạt giống lúa xác nhận để cung cấp cho sản xuất.

Chương trình sản phẩm quốc gia đã nhân rộng phát triển 18 giống lúa chất lượng cao cho các tỉnh phía Nam cùng các gói kỹ thuật tiên tiến nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất từ 17.5-36.9%; đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp 12 giống nấm mới; phát triển sản xuất đối với 13 giống cà phê vối, 4 giống càphê chè chất lượng cao áp dụng gói kỹ thuật GAP/BAP.

Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Phú Yên, Bạc Liêu, Hậu Giang, đã thu hút được 591,75 tỷ đồng vốn đầu tư; triển khai thành công 18 nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.

Đến nay, 48 doanh nghiệp nông nghiệp đã được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong dịch COVID-19.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ chế tạo thành công bộ KIT PCR và KIT Real-time PCR phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) từ mẫu bệnh phẩm của lợn; nghiên cứu thành công hai chủng giống virus cúm A/H5N1; chọn lọc và cải tiến quy trình chăn nuôi các giống gà nội có năng suất trứng, thịt được cải thiện; chọn tạo thành công các giống vịt chất lượng cao và các dòng lợn nái, lợn thịt năng suất cao, đem lại nhiều giá trị kinh tế.

Lĩnh vực công nghiệp ghi nhận nhiều thành công: Chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển các ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp...

Việc chế tạo thành công máy biến áp 500 kV đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có khả năng chế tạo sản phẩm có công suất lớn. Việt Nam cũng đã sản xuất một số mác thép hợp kim có tính năng đặc biệt như thép Duplex, Superduplex, hợp kim Titan y sinh Ti-6Al-7Nb, Ti-5Al-2,5Fe sử dụng trong công nghiệp, y tế; làm chủ dây chuyền sản xuất phân bón NPK tháp cao một hạt; dây chuyền xử lý Phosphogypsum (PG) làm vậy liệu xây dựng; dây chuyền sản xuất muối sạch đáp ứng tiêu chuẩn dùng trong công nghiệp, dược phẩm... góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn cung trong nước, hạn chế nhập khẩu.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Việt Nam nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công tôm mũ ni và hải sâm vú là hai nguồn gen thủy sản có giá trị kinh tế cao (trên thế giới chỉ có Úc và Nhật Bản nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công hai loài này).

Việt Nam cũng đã nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm trai tai tượng vảy phục vụ phát triển kinh tế ven biển, đặc biệt là vùng biển xa; triển khai hiệu quả Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp-thủy sản, áp dụng thành công công nghệ tuần hoàn nuôi tôm hùm trong bể trên bờ với quy mô lớn, tỷ lệ sống trên 75% và đăng ký thành công 2 chứng nhận sở hữu trí tuệ về quy trình sản xuất kháng thể cho loài tôm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục