Đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển hạ tầng giao thông khu vực Tây Bắc

Trong thời gian tới, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển hạ tầng giao thông cho các tỉnh trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN)

Ngày 13/1, tại Bắc Kạn, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.

Theo đó, năm 2017, Ban Chỉ đạo Tây Bắc xác định tập trung tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế​-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2020”; kiểm tra, nắm tình hình thực hiện đào tạo nguồn nhân lực gắn với sử dụng lao động các tỉnh vùng Tây Bắc; tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế​-xã hội vùng Tây Bắc đến năm 2020 và thu hút đầu tư vào vùng Tây Bắc.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc đôn đốc kiểm tra triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; kiểm tra, nắm tình hình, đôn đốc các địa phương, cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp đảm bảo quốc phòng an ninh.

Các địa phương vùng Tây Bắc tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng phát huy lợi thế theo hướng tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; quan tâm chăm lo đời sống kinh tế-xã hội cho người dân; thực hiện tốt chính sách dân tộc miền núi; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp đối với công tác đảm bảo quốc phòng an ninh; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư vào địa phương.

Thảo luận tại Hội nghị, các bộ, ngành địa phương đã kiến nghị với Ban Chỉ đạo Tây Bắc một số vấn đề như đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển các ngành thế mạnh của vùng, có cơ chế chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác; tăng cường công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là trong vùng đồng bào theo đạo; tăng cường xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của Tây Bắc; cần đánh giá lại quy hoạch, chính sách, phối kết hợp trong hợp phần đầu tư cho các tỉnh vùng Tây Bắc…

Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh​những năm gần đây cán bộ cấp ủy, chính quyền các tỉnh trong vùng rất năng động trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế​-xã hội địa phương.

Trong thời gian tới, các tỉnh trong vùng cần đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển hạ tầng giao thông cho các tỉnh trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; trong Quý 1/2017 sẽ làm xong được quy hoạch hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc.

Đồng thời, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các cây, con có hiệu quả kinh tế cao; làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự.

Các tỉnh trong vùng tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra, nhất là xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017.

Năm 2016, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã có nhiều đổi mới trong hoạt động theo hướng chủ động, thực hiện hiệu quả hơn, thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Ban Chỉ đạo chủ động tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình tại các địa phương; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh trên các lĩnh vực kinh tế​-xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ các giải pháp thực hiện, từng bước góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn trong vùng. Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song đời sống kinh tế-xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục