Đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore trên nền tảng số

Trong chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước, lãnh đạo hai nước thống nhất cao đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên nền tảng số; hợp tác đổi mới sáng tạo có thể coi là tâm điểm của chuyến thăm.
Đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore trên nền tảng số ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tiễn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Quốc tế Changi, chiều 26/2/2022. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc thành tốt đẹp, mở ra một giai đoạn hợp tác mới trên cơ sở niềm tin chiến lược Việt Nam-Singapore được tăng cường, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước được củng cố.

Trong nhiều lĩnh vực được các nhà lãnh đạo hai nước thỏa thuận cùng đẩy mạnh hợp tác từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân..., việc hai bên thống nhất cao đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên nền tảng số và hợp tác đổi mới sáng tạo có thể coi là tâm điểm của chuyến thăm lần này.

Củng cố niềm tin chiến lược

Đại dịch COVID-19 gây nhiều hệ lụy, nhưng Việt Nam và Singapore vẫn thích ứng và hồi phục nhanh chóng. Năm 2021, kinh tế Singapore tăng trưởng 7,6%, Việt Nam cũng tăng trưởng dương. Hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau, khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của mỗi nước để cùng phục hồi và phát triển.

Các dự án hợp tác hàng tỷ USD dài hạn minh chứng niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư Singapore vào sự năng động, dẻo dai trong thực hiện “mục tiêu kép,” quá trình phục hồi mạnh mẽ và những chính sách vĩ mô của nền kinh tế mở. Với tổng diện tích hơn 7.500ha, 13 khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế song phương.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhận xét về Việt Nam, với nhiều lợi thế riêng có, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực.

Câu nói này được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại với các nhà đầu tư Singapore và cho rằng điều đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của ngài Lý Quang Diệu, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam và luôn là lời động viên chân thành đối với Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước.

Kết nối hai nền kinh tế trên nền tảng số, mở rộng hợp tác các lĩnh vực mới để hai bên “cùng thắng,” phát triển năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, đô thị thông minh, thương mại điện tử... chính là hướng đi đúng đắn, phù hợp xu thế thời đại để hai nước phát huy hết dư địa và thế mạnh, vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch.

Và với chuyến thăm cấp nhà nước Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thông điệp đưa ra là Việt Nam luôn là người bạn lớn, tin cậy của Singapore, đồng thời củng cố thêm niềm tin chính trị, chiến lược giữa hai nước.

Tăng trưởng xanh

Thành tựu ấn tượng ứng phó đại dịch, phát triển kinh tế-xã hội của hai nước, cùng nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực đặt ra trong bối cảnh mới được bàn thảo trong các cuộc hội kiến, hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo nước bạn trong bầu không khí phấn khởi, thân tình và thấu hiểu.

Hai bên cam kết bảo đảm an ninh và kết nối của chuỗi cung ứng. Các nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và hoan nghênh hai bên thúc đẩy hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực cùng có lợi như cơ sở hạ tầng và hậu cần thông minh.

Đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore trên nền tảng số ảnh 2Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp các nhà đầu tư hạ tầng và tài chính quốc tế của Singapore, chiều 26/2/2022. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường hai nước và khu vực, hai bên đang hợp tác chặt chẽ để nâng cao khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để tận dụng tốt hơn các tài sản vô hình và tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.

Không chỉ là kết nối hai nền kinh tế qua nền tảng số, mà hướng hợp tác hai bên giờ đây còn là kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Qua chuyến thăm, các nhà lãnh đạo hai nước tán thành việc làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới thông qua thúc đẩy hợp tác kinh tế xanh - bao gồm năng lượng tái tạo, trao đổi tín chỉ CO2 và các dịch vụ liên quan, phát triển công nghệ carbon thấp, tài chính xanh.

Hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đối với sức khoẻ của người dân và cả hành tinh.

[Chuyến thăm đặt nền tảng để VN-Singapore thành hình mẫu cho ĐNÁ]

Ông Ang Kong Hua, lãnh đạo Sembcorp chia sẻ Tập đoàn đã đầu tư 15 tỷ USD cho 10 khu VSIP và đang nỗ lực đẩy mạnh thêm ở nhiều địa phương, qua đó thúc đẩy thu hút FDI vào Việt Nam và giải quyết việc làm.

Ghi nhận thành tựu sau 25 năm thành lập Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đầu tiên, giải quyết nhiều lao động tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo hoan nghênh VSIP tiếp tục nâng tầm hợp tác và mở rộng quy mô tại Việt Nam theo hướng khu công nghiệp xanh và đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực cho quan hệ song phương hai nước.

Thông điệp Chủ tịch nước truyền tải tới doanh nghiệp là “nói đi đôi với làm” và chuyển chữ I viết tắt trong VSIP (công nghiệp) sang chữ I (sáng tạo trong đầu tư) để nâng cao giá trị đầu tư được nhiệt liệt tán thưởng tại Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, một trong những dấu ấn về hợp tác hai nước qua chuyến thăm lần này là hai bên đã đạt được thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vaccine, giúp tạo thuận lợi cho đi lại và giao thương giữa hai nước trong bối cảnh "bình thường mới."

Đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore trên nền tảng số ảnh 3Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Jason Leow, Tổng giám đốc CapitaLand Development, sáng 26/2/2022. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với tinh thần tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai nước chiến lược trong giai đoạn mới, trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ trao đổi 5 văn kiện hợp tác song phương được ký kết giữa các cơ quan chính phủ hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế-thương mại, sở hữu trí tuệ, hợp tác kinh tế số và giao lưu nhân dân.

Dấu mốc của những dự án tỷ USD

Sau các cuộc tiếp xúc cấp cao quan trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp hai nước, tiếp hàng chục doanh nghiệp hàng đầu Singapore, đồng thời chuyển đến một thông điệp mạnh mẽ rằng, Việt Nam Việt Nam chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn đầu tư FDI sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội và với người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên đó là công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng và đô thị thông minh, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển bền vững… Cùng với đó, Việt Nam cũng cam kết duy trì ổn định vĩ mô, tăng trưởng 6,5-7% từ nay đến năm 2025, minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng qua tiếp xúc có thể thấy bạn đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, tin tưởng chính sách của Việt Nam, tin tưởng Việt Nam có nhiều dưa địa để họ có thể đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

Qua các cuộc tiếp xúc này, phía Singapore rất quan tâm đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, chuyển đổi số và và khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái, thông minh. Đây là những lĩnh vực chúng ta rất cần thu hút, phù hợp với việc thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nguồn Nhân lực Singapore Tan See Leng cho rằng nền tảng hợp tác giữa hai bên là kinh tế số, thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp trong ngành năng lượng và trao đổi cách làm tốt và thông tin chuẩn mực cũng như chứng chỉ trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp.

Đón bắt được xu hướng của nhà đầu tư quan tâm tới các lĩnh vực Việt Nam muốn thu hút đầu tư là đến logistic, đô thị, phục cho công nghiệp, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Chúng tôi đã đã có buổi làm việc rất tốt đẹp với Tập đoàn Capitaland, Tập đoàn rất lớn của Singapore và một số đối tác khác.

Qua làm việc chúng tôi đã trao hai giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án logistic tại Khu Công nghiệp Hòa Phú, Bắc Giang với giá trị 100 triệu USD. Chúng tôi cũng ký bản ghi nhớ với Capitaland đầu tư một tổ hợp công nghiệp, dịch vụ, logistic, đô thị tại Bắc Giang với trị giá 1 tỷ USD; chứng kiến 3 nhà đầu tư gồm một nhà đầu tư Singapore và hai nhà đầu tư Việt Nam hợp tác đầu tư một tổ hợp khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ và nhà ở công nhân tại Bắc Giang với trị giá 2,5 tỷ USD."

Đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore trên nền tảng số ảnh 4Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Piyush Gupta, Tổng giám đốc Ngân hàng DBS, sáng 26/2/2022. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Như vậy, riêng đợt này đã ký kết, trao chứng nhận đầu tư tổng cộng 3,6 tỷ USD. Đây là thành công bước đầu đối với việc thu hút các nhà đầu tư Singapore vào Bắc Giang.

Nếu như năm 2018, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Thủ tướng Chính phủ thăm Singapore, Singapore đầu tư vào Việt Nam 43 tỷ USD thì đến chuyến thăm này, con số đó đã nâng lên 66 tỷ USD.

Do đó với các ký kết này, đây sẽ là tiền đề quan trọng để tạo một bước nhảy mới về vốn đầu tư của Singapore vào Việt Nam trong những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Trong đó có các dự án thực hiện cam kết về cắt giảm khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, tái tạo.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Minh Khương hiện là giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mang ý nghĩa “xông nhà” đối với Singapore sau hai năm chưa có nguyên thủ nào thăm Singapore do đại dịch COVID-19.

Điều đó cho thấy Việt Nam là người bạn thủy chung, bản lĩnh, đáng tin cậy, đồng thời thể hiện người bạn có tầm nhìn về tương lai trong nhiều thập kỷ tới, có ý chí đưa Việt Nam và đối tác của mình cộng tác với nhau mạnh mẽ sau đại dịch.

Rõ ràng ý nghĩa chuyến thăm là rất lớn. Giới nghiên cứu ở Singapore nhìn thấy sự cộng hưởng của Singapore và Việt Nam rất lớn bởi Singapore đã trở thành mô hình được minh chứng là từ một dân tộc nghèo có thể vươn lên vị trí hàng đầu thế giới và thế giới phải đến học hỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục